“Các em phải nắm rõ chương trình và phải đọc sách giáo khoa để nắm được những phần cơ bản. Thường xuyên tập làm bài tập trắc nghiệm mà thầy cô ra ở trên lớp đã giao để làm quen với các dạng câu hỏi thường ra”, cô Hải nói.
Cũng theo chia sẻ của cô Hải, trong quá trình ôn tập, học sinh cần xác định và chấp nhận thực tế không phải môn nào cũng là sở trường của bản thân. Từ đó, việc học trở nên bớt dồn ép, tránh việc quá tải. Học sinh nên bình tĩnh rà soát, bổ sung những kiến thức chưa ổn. Việc đầu tư nghiêm túc học tập rất cần thiết, song tùy vào mỗi cá nhân mà có thể đưa ra quyết định nên cầu toàn hay không trong việc dàn trải ôn tập.
Cô Hoàng Thị Giang, giáo viên môn Giáo dục Công dân Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM) cho biết, đề thi các môn Khoa học xã hội 100% trắc nghiệm, do đó cô thường nhắc nhở, động viên nên các em cũng tận dụng, tranh thủ thời gian làm đề thường xuyên để có được phản xạ tốt lúc làm bài. Trong quá trình làm đề, các em nhận ra những lỗ hổng kiến thức, từ đó biết bồi dưỡng, trau dồi thêm các kiến thức bị hổng.
“Môn Giáo dục công dân là bộ môn có nhiều câu hỏi thực tiễn. Học sinh ngoài việc nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa cũng cần bổ sung kiến thức thực tế. Các em nên tham gia giải quyết tình huống mà giáo viên đưa ra trong giờ học, cập nhật thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để có thêm kinh nghiệm sống và làm việc theo pháp luật. Tham khảo thêm sách báo, tư liệu về pháp luật, nếu có vướng mắc thì nhờ thầy cô tư vấn thêm”, cô Giang nói.
Cũng theo cô Giang, những năm trước cấu trúc đề thi môn Giáo dục công dân gồm 40 câu trắc nghiệm khách quan, được phân theo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Các câu hỏi có nội dung vừa sức, không đánh đố và không rơi vào phần kiến thức đã được giảm tải. Vì vậy trong quá trình ôn tập, học sinh phải nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, những kiến thức mà giáo viên trang bị trong quá trình giảng dạy. Đồng thời những kiến thức giáo viên mở rộng thêm, học sinh phải nắm để làm bài tập tốt hơn.
“Học sinh cần hệ thống lại kiến thức bằng hình thức sơ đồ tư duy (mà giáo viên đã hướng dẫn trong quá trình học), hình thức này đơn giản, dễ hiểu giúp các em nắm vững và khắc sâu kiến thức hơn. Mặt khác học sinh phải hiểu và phân biệt được các thuật ngữ “đặc thù” về các “từ khoá” của từng nội dung, bởi những từ khoá này sẽ làm căn cứ để trả lời đúng nhất. Cùng đó học sinh phải thường xuyên luyện những bài tập trắc nghiệm, kể cả những bài tập dưới dạng cơ bản (biết, hiểu) và dạng vận dụng, vận dụng cao để mở rộng và củng cố kiến thức”, cô Giang chia sẻ.
Việc xác định mục đích dự thi là điều rất quan trọng vì ảnh hưởng đến nội dung ôn thi. Chẳng hạn nếu chọn môn Lịch sử trong tổ hợp môn xã hội để xét tốt nghiệp thì học sinh chỉ cần tập trung học các kiến thức cơ bản được đề cập trong sách giáo khoa lớp 11, 12. Còn nếu chọn môn học này để xét tuyển vào đại học thì bên cạnh việc nắm các kiến thức cơ bản, học sinh cần phải nắm thêm các kiến thức tổng hợp, kiến thức nâng cao và vận dụng trong thực tiễn. - Thầy Nguyễn Tiến Vinh