Ngoài ra, việc trau dồi từ vựng cũng có thể giúp học sinh trung bình, khá giành thêm điểm trong các dạng bài liên quan đến từ vựng. Đơn cử, câu hỏi ngữ âm, đồng nghĩa – trái nghĩa thường nằm trong sách khoa, chỉ cần học sinh chăm chỉ ôn tập và nắm chắc kiến thức cơ bản. Khối lượng từ mới trong sách giáo khoa tương đối nhiều nhưng học sinh có thể mở rộng bằng cách học thêm từ trái nghĩa, từ đồng nghĩa của các từ mới hoặc học qua việc xem phim, đọc sách, nghe nhạc tiếng Anh.
Cô giáo Trương Thị Thu Hường (giữa) chụp ảnh cùng học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: NVCC |
Cô giáo Nguyễn Việt Hà, Trường Đại học Hà Nội, cho rằng, học sinh ở mọi trình độ tiếng Anh đều phải nắm vững kiến thức theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, có phương pháp ôn luyện và chiến thuật làm bài phù hợp với khả năng của bản thân để giành điểm cao nhất.
Trong quá trình làm bài thi, thí sinh nên phân bổ thời gian khoa học như các câu hỏi dễ trước, câu khó sau. Khi gặp câu khó, các em không nên sa đà để tránh tốn thời gian, đặc biệt với dạng bài đọc hiểu vì đây là một trong những câu hỏi phân loại học sinh. Đồng thời, các em phải đọc kỹ đề và gạch chân những từ khóa chính trong yêu cầu của đề bài.
“Với dạng bài đọc hiểu, thí sinh cần bám sát các chi tiết, nội dung đoạn văn và chú ý thời gian. Nếu thấy bản thân đang ‘lún sâu’ vào các câu hỏi khó thì các em hãy tạm rời sự chú ý để hoàn thành các câu hỏi ở mức dễ, chiếm phần lớn tổng số điểm”, cô Hà lưu ý.
Tương tự, cô Thu Hường gợi ý khi gặp câu hỏi khó, thí sinh hãy vận dụng kĩ năng đoán từ trong ngữ cảnh. Khi tô các phương án vào phiếu trả lời trắc nghiệm, cần kiểm tra cẩn thận cho khớp các câu trả lời đã làm trên đề, tuyệt đối không nên để trống câu trả lời nào. Nếu đến cuối cùng vẫn không có được câu trả lời mình chắc chắn về kiến thức thì vẫn nên chọn phương án mà bản thân có linh cảm tốt nhất.
“Khi vào phòng thi, việc quan trọng nhất với học sinh là sự tỉnh táo, tập trung vào bài làm, đọc kỹ yêu cầu và nội dung câu hỏi để tránh những nhầm lẫn không đáng có. Các em nên sử dụng bút chì để gạch chân các từ hoặc cụm từ quan trọng trong đề…”, cô Hường chia sẻ.
Không chỉ ôn tập và luyện đề, theo cô Trang, học sinh có học lực trung bình, khá cần dành thời gian và thái độ nghiêm túc đối với môn Tiếng Anh. Do đó, các em cần sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, khoa học, trong đó, dành ra một số lượng thời gian cụ thể theo ngày hoặc theo tuần để ôn luyện tiếng Anh. Khi luyện đề, học sinh hãy dành thời gian đủ để làm đề, chữa đề và học lại từ những lỗi sai trong đề, thay vì chỉ làm đề.