Trong điều kiện dịch bệnh, việc tự học càng quan trọng hơn. Khẳng định điều này, cô Lê Thị Quyên cho rằng, ngoài thời gian học theo thời khóa biểu cùng thầy cô, học sinh phải dành nhiều thời gian tự học, tự luyện, ôn tập lại những kiến thức cơ bản, làm bài tập đầy đủ. Ngoài ra, học sinh tìm thêm hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau để tự luyện thêm.
Học nhóm với bạn bè cũng là cách học hiệu quả. Dịch bệnh phức tạp, học sinh có thể trao đổi nhóm qua Internet như trong lớp học Teams, Meet, Zoom, Zalo, Messenger, … Khi học nhóm, học sinh giảng lại bài cho nhau nghe, trao đổi với nhau về các phần lý thuyết chưa hiểu hoặc những bài tập khó chưa giải quyết được, qua đó củng cố được kiến thức và rèn năng lực làm việc nhóm.
Bên cạnh lưu ý sử dụng hiệu quả và khai thác triệt để các phương tiện, tài liệu học tập trực tuyến, cô Quyên nhắn nhủ học sinh nên xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng: theo tháng, theo tuần, theo buổi để sắp xếp việc học khoa học, tránh chồng chéo.
Không thức quá khuya, hoặc lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê... , ngủ đủ giấc (7-8 tiếng /ngày). Trước khi ngủ nên hệ thống lại kiến thức đã ôn trong ngày. Buổi sáng nên dậy sớm một chút vừa để chuẩn bị cho một ngày mới, vừa tranh thủ ôn bài, sẽ hiệu quả cho những môn học lý thuyết. Có thời gian giải trí hợp lý để giảm stress
Học sinh cũng cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, nhất là thông điệp 5K để không trở thành F0, F1. Việc phải cách ly sẽ ảnh hưởng đến tâm lí và thời gian học tập, nhất là khi thời gian gần thi cận kề càng phải giữa gìn để không bỏ lỡ kì thi chính thức. Cần ăn uống đủ chất, ăn các thức ăn lành mạnh bảo đảm dinh dưỡng cho cơ thể, tránh các thức ăn lạ, hoặc sử dụng các chất kích thích; thường xuyên tập thể dục để rèn luyện sức khỏe.
Về tâm lý, cô Lê Thị Quyên cho rằng, học sinh cần chuẩn bị tâm lí tốt hơn cho kì thi, như suy nghĩ tích cực, xem kỳ thi như một cơ hội để thể hiện khả năng của bản thân; không quá lo lắng, tránh xa những chỉ trích, than vãn, những lo sợ về đề khó, bài nhiều...
Có thể tập thư giãn bằng cách hít thở sâu, tắm nước nóng...; tự nói hoặc tự nhủ với bản thân những điều tích cực có thể giúp cải thiện tâm lí mỗi khi trí não có suy nghĩ lo lắng như "mình đã học hết bài", “mình đã học hết mình”, “mình đã có gắng hết sức”, "mình sẽ thi tốt"...