Cùng với ôn tập, trang bị kiến thức, các trường THCS cũng tăng cường tư vấn, định hướng cho học sinh và phụ huynh lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực học tập của con em mình.
Theo cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), điểm mới của năm nay là 100% học sinh đăng ký nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. Hình thức này rất thuận lợi, bởi giáo viên chủ nhiệm đã quen từ năm học trước nên dễ dàng hướng dẫn học sinh. Ngoài ra, từ cuối tháng 2, nhà trường đã tổ chức cho các em đi tham quan các trường THPT để nắm rõ hơn về Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10, đặc biệt là việc lựa chọn tổ hợp môn.
“Tỷ lệ đậu vào lớp 10 công lập của trường năm trước khoảng 95%. Những em trượt công lập đa phần do đăng ký sai nguyện vọng, chọn trường có điểm quá cao hoặc phụ huynh mong đợi, kỳ vọng quá nhiều về sức học của các con. Các năm trước nhà trường tổ chức họp phụ huynh đại trà để tư vấn chọn nguyện vọng cho học sinh, riêng năm nay chúng tôi sẽ tổ chức họp phụ huynh với hình thức 1 - 1 (1 giáo viên, 1 phụ huynh). Tổ chức họp riêng 5 - 10 phút giúp phụ huynh nắm rõ sức học của con và chọn nguyện vọng cho đúng. Hình thức này dù giáo viên có phần vất vả, nhưng hy vọng sẽ hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh lựa chọn đúng với sức học của con em mình”, cô Trang chia sẻ.
Tại Trường THCS Nguyễn Trãi, ban giám hiệu cũng như giáo viên chủ nhiệm luôn chú trọng công tác tư vấn, định hướng học sinh khối 9 không nên đăng ký trường quá xa nhà, hoặc trường có điểm chuẩn chênh lệch với sức học của bản thân; hay lựa chọn 3 trường có mức điểm trúng tuyển hàng năm tương đương nhau. Như vậy sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển. Nhà trường cũng lưu ý học sinh có thể đưa ra quyết định dựa trên tư vấn của giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh hay tham khảo kết quả kiểm tra học kỳ II hoặc qua việc tự giải, tự chấm điểm các đề thi lớp 10 những năm trước.
“Chúng tôi thường xuyên chia sẻ với học sinh rằng, nếu căng thẳng trước một vấn đề nào đó bởi chuẩn bị chưa tốt và thiếu tự tin, từ đó nảy sinh ra những lo lắng. Vì vậy, để tránh rơi vào tình trạng trên, học sinh phải xác định được định hướng của bản thân sau THCS.
Chẳng hạn mình muốn vào trường nào thì phải tìm hiểu trường đó cũng như các yêu cầu đặt ra; có thể tham khảo hệ thống trường lớp, nghe tư vấn tuyển sinh của Sở GD&ĐT TPHCM cũng như các thầy cô trong trường. Từ đó, các em mới biết được trường mình chọn cũng như hướng đi phù hợp hay không. Khi có hướng đi phù hợp, các em sẽ đủ bản lĩnh để chuẩn bị, kỳ thi vì thế đỡ căng thẳng hơn”, thầy Nguyễn Hồng Đức cho biết thêm.
“Giáo viên chủ nhiệm đã có định hướng cho học sinh lựa chọn nguyện vọng ban đầu. Đến cuối tháng 3, nhà trường tổ chức họp phụ huynh và tư vấn kỹ. Thực tế trong công tác phân luồng, hướng nghiệp, khó nhất là tư vấn cho phụ huynh chọn trường, nghề cho con em mình. Đối với em có năng lực học tập yếu, nhiều phụ huynh khi được tư vấn qua trường nghề lại không đồng ý, mà muốn cho con mình thi thử. Vì vậy, khi có danh sách học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập, nhà trường sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh lên tư vấn một lần nữa để các em chuyển hướng”, cô Hiếu thông tin.