Từ phân tích đề tham khảo, cô Phạm Thị Phương Thảo khuyên thí sinh: Chỉ cần tập trung học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, ghi nhớ những mốc sự kiện quan trọng, tránh học tủ là có thể đạt được điểm trung bình trở lên.
Khi làm bài thi, các em cần phải đọc kỹ đề và tư duy logic với những kiến thức đã học để chọn được đáp án chính xác nhất, bởi hầu hết các đáp án đều có điểm tương đồng về nội dung.
Ví dụ câu hỏi: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), nhân dân Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của quốc gia châu Á nào sau đây?”, nhiều thí sinh sai khi chọn đáp án Cuba mà không để ý đến khu vực mà câu hỏi nhấn mạnh đó là châu Á. Hoặc cũng có thí sinh sẽ hoang mang với hai đáp án Cuba và Trung Quốc vì hai quốc gia này đều giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống Pháp.
Với ma trận đề tham khảo năm nay, thí sinh nên tập trung ôn tập phần Lịch sử Việt Nam để dành điểm nhiều hơn. Thí sinh cần phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và chuẩn kiến thức; đồng thời mở rộng kiến thức bằng cách đọc, tham khảo các bộ môn có liên quan như Ngữ văn, Địa lí, Giáo dục công dân…
Cô Phạm Thị Phương Thảo đồng thời chia sẻ một số lỗi sai dễ mắc phải điển hình trong khi làm bài thi lịch sử; trong đó có việc nhầm lẫn các sự kiện lịch sử có điểm tương đồng. Ví dụ, nhầm lẫn trận Điện Biên Phủ năm 1954 với trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972; giữa Hiệp định Giơ-ne-vơ với Hiệp định Pari…Do đó, học sinh cần phải tạo riêng cho mình từ khoá, tránh nhầm lẫn các sự kiện như trên.