Ông Rasmussen cho rằng Ukraine cần có các đảm bảo an ninh - bao gồm chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện quân sự chung, khả năng tương tác của NATO, tăng cường sản xuất đạn dược và cung cấp vũ khí.
Về phần mình, Ukraine đã bác ý tưởng về việc NATO có thể đưa quân đến Ukraine. Trả lời phỏng vấn truyền thông cùng ngày, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết Chính phủ Ukraine chưa bao giờ yêu cầu bước đi như vậy.
“Cho đến khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc, các quốc gia khác sẽ không điều quân đến đất nước chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi cũng không yêu cầu điều đó. Chúng tôi chỉ nói rằng hãy cấp vũ khí cho chúng tôi”, ông tuyên bố.
Ông Kuleba nhấn mạnh điều mà Kiev mong muốn là có được cam kết an ninh tốt nhất từ liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt nhằm tránh các cuộc xung đột trong tương lai.
Ngoại trưởng Kuleba tin rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và khi đó Ukraine sẽ triển khai các đơn vị quân sự của mình đến các quốc gia đồng minh.
Trước đó, hôm 6/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ ông hy vọng sẽ nhận được đảm bảo an ninh cho Ukraine và một lời mời gia nhập liên minh một cách rõ ràng tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius. Ông cho biết quân đội Ukraine thất vọng vì Kiev vẫn chưa nhận được quyết định rõ ràng về việc gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố rằng ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi việc NATO mở rộng sang hướng đông là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cuối tháng 5 nhắc lại các điều kiện chấm dứt xung đột, một trong số đó là Ukraine “phải trở lại tình trạng trung lập, không liên kết” và “từ chối gia nhập NATO, EU”. Ukraine đã bác bỏ những yêu cầu này.