Phải thực hiện ngay từng bước vấn đề lương giáo viên

Hiếu Nguyễn (thực hiện) | 18/03/2023, 06:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chuyên gia nêu quan điểm xung quanh vấn đề lương giáo viên...

Những hệ lụy

- Tình trạng GV nghỉ việc gây ra những hệ lụy gì, theo ông?

- Chắc chắn để lại hệ lụy cho ngành và sự phát triển cũng như sự tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trước mắt tạo ra góc nhìn trong xã hội: Sư phạm là loại hình lao động, tuy danh giá nhưng đang trở nên kém hấp dẫn người lao động. Giá trị nghề nghiệp của nhà giáo bị sụt giảm. Lòng yêu nghề, mến trẻ và lý tưởng chọn nghề, theo nghề nghiệp ở một bộ phận không nhỏ nhà giáo bị nhạt phai. Nghề sư phạm ngày càng trở thành một công việc mưu sinh hơn là nơi để lớp trẻ thực hiện lý tưởng và cống hiến cho tương lai, cho sự nghiệp trăm năm trồng người.

GV đang bị nhiều sức ép trong công việc. Việc quản lý và đổi mới giáo dục ít nhiều có ảnh hưởng, tác động không mong muốn đến đội ngũ nhà giáo. Xu hướng dịch chuyển lao động, chảy máu chất xám từ lĩnh vực sư phạm sang các ngành nghề khác, đặc biệt lĩnh vực giáo dục công sang giáo dục tư. Đây đều là những dấu hiệu đáng báo động cho các nhà quản lý và ngành Giáo dục.

Về lâu dài, nó có thể gây mất cân đối về nhân lực trong một lĩnh vực quan trọng và có số lượng viên chức đông tới hơn 1,4 triệu người. Khi đội ngũ nhà giáo vừa thiếu, lại bị hao hụt thêm hằng năm sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà trường trong việc tổ chức hoạt động giáo dục. Điều này sẽ tiếp tục gây sức ép lên các nhà giáo đang làm việc. Tìm mọi cách để huy động trẻ tới trường, duy trì sĩ số lớp học, nhưng lại thiếu thầy, thiếu trường lớp tương ứng!

Khi vị thế nghề nghiệp của nhà giáo không được coi trọng đúng mức, lý tưởng nghề nghiệp bị phai nhạt, những sức ép nghề nghiệp trong nghề sư phạm quá ngưỡng chịu đựng… có thể dẫn đến xu hướng thích ứng tiêu cực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả lao động sư phạm và có thể gây ra một số hành động không tích cực trong giáo dục.

Nguy hiểm hơn, xu hướng nghỉ việc, chuyển việc ở đội ngũ nhà giáo có thể sẽ không dừng lại và trở nên trầm trọng hơn, trở thành trào lưu, gây ra phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhà giáo đang cống hiến, đặc biệt những thầy, cô có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt.

Gốc rễ vẫn là chính sách tiền lương

- Dù số GV nghỉ việc chưa đến mức báo động như ngành Y tế hay một số ngành nghề khác, nhưng theo ông, ngay từ bây giờ cần có các giải pháp để ngăn chặn trước khi nó trở thành một hiện tượng phổ biến?

- Gốc rễ vấn đề GV bỏ nghề, bỏ việc vẫn là chính sách tiền lương của GV và cả khối công chức, viên chức hành chính sự nghiệp. Phụ cấp đứng lớp hay tăng lương cơ bản cũng chỉ là các quyết định mang ý nghĩa tình thế, giải quyết khó khăn tức thời chưa phải là căn cơ lâu dài, ổn định. Chúng ta mong mỏi Nhà nước cần có cách làm đột phá, tiến hành cải cách tiền lương, theo hướng ưu tiên lương GV có tính đặc thù, cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp. GV sống được bằng lương, bằng nghề dạy học là mục tiêu phấn đấu lâu dài, nhưng phải thực hiện ngay từng bước.

Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục cấp Bộ và địa phương phải ngồi lại để rà soát công tác quản lý GV, theo hướng quản trị nhà trường. Hãy luôn suy nghĩ để cắt giảm hơn những cuộc thi hình thức, sổ sách hành chính, nhiệm vụ kiêm nhiệm không thật cần thiết.

Hãy mạnh dạn bỏ đi tất cả những thủ tục hành chính làm GV mệt mỏi, để các thầy cô được thực sự “tự do” và dành thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục. Ứng dụng mạnh mẽ tin học quản lý văn phòng, quản lý nhân sự và chuyên môn. Chỉ cần biết sử dụng nhóm Zalo chúng ta cũng đã bỏ được nhiều cuộc họp không cần thiết, hoặc tương tác được thường xuyên kịp thời giữa GV và phụ huynh.

Cần xây dựng cụ thể các hướng dẫn, công cụ để giúp GV thực sự nắm rõ và thực hiện tốt chương trình mới. Toàn xã hội, truyền thông cần nhìn nhận, đánh giá và dành cho thầy cô sự tôn trọng nghề nghiệp ở mức độ cần thiết. Ghi nhận cũng là cách để họ có động lực cống hiến, yêu nghề.

Cuối cùng, bản thân mỗi nhà giáo, nhà trường cần làm việc và sống hạnh phúc, thay đổi tư duy giáo dục cho GV trong giai đoạn mới, ứng phó những thách thức, khó khăn mới. Có nhận thức đúng những thách thức nghề nghiệp, có kỹ năng ứng phó, giúp nhà giáo mới làm tốt công tác giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, khi xây dựng và triển khai chính sách tiền lương, cần coi trọng cả hai cấp vĩ mô và vi mô: Cấp vĩ mô là quan trọng, mở hướng, tạo nền, còn cấp vi mô quyết định thành công và được phép linh hoạt sáng tạo trong quá trình thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

“Năm 2019, Value Champion - trang phân tích tài chính nổi tiếng có trụ sở tại Singapore đã công bố nghiên cứu 16 quốc gia, so sánh với GDP mỗi nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và Pháp, cho kết quả: Lương của GV Việt Nam đứng cuối cùng trong số các quốc gia này. GV Việt Nam bỏ nghề vì lương thấp; nhưng các nước GV có mức lương cao hơn nhiều so với GV của chúng ta, họ cũng bỏ nghề. Lý do đơn giản bởi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, các dịch vụ xã hội cao phi mã hay giá thuê nhà cao ngất ngưởng… khiến GV phải tìm tới phương cách chuyển nghề để tồn tại…”, ông Đặng Tự Ân cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phai-thuc-hien-ngay-tung-buoc-van-de-luong-giao-vien-post629713.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phai-thuc-hien-ngay-tung-buoc-van-de-luong-giao-vien-post629713.html
Bài liên quan
Giáo viên vùng khó phập phồng lo chốn an cư
Số lượng nhà công vụ giáo viên hiện chưa đáp ứng được yêu cầu và chất lượng xuống cấp sau 10 - 15 năm sử dụng...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải thực hiện ngay từng bước vấn đề lương giáo viên