Phân biệt cúm B và sốt xuất huyết

TS. BS Bùi Thị Thu Hoài | 08/11/2022, 07:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cùng với dịch sốt xuất huyết, cúm B vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến nhiều người lo lắng.

TS. BS Bùi Thị Thu Hoài.

Cách phân biệt được cúm B với sốt xuất huyết?

Theo TS. BS Bùi Thị Thu Hoài, hiện nay không chỉ cúm B, sốt xuất huyết mà cả COVID-19 vẫn lưu hành song song với nhau. Các triệu chứng của những căn bệnh này đều có các biểu hiện gần giống nhau có sốt, viêm long đường hô hấp (hắt hơi, sổ mũi, đau họng), cảm giác ớn lạnh, đau mỏi người… Cả 3 căn bệnh này đều có các triệu chứng không đặc trưng như vậy…. Do vậy với bệnh nhân thông thường rất khó nhận biết.

Với các bác sĩ có những trường hợp phải làm xét nghiệm mới nhận biết được. Tuy nhiên mỗi bệnh cũng có những đặc trưng riêng như sốt xuất huyết với người trẻ tuổi thường sốt cao 39-40 độ C, người già sốt có thể nhiệt độ thấp hơn. Thời gian sốt của bệnh sốt xuất huyết thường dài có trường hợp sốt 5-7 ngày. Với cúm thời gian sốt ngắn hơn từ 3-5 ngày, nhiệt độ có thể sốt  cao liên tục 39-40 độ C.

Cúm B cũng như các loại virus khác có thể tự khỏi nếu thể trạng tốt và không có biến chứng. Tuy nhiên nếu là cúm đa phần bệnh nhân sẽ đau mỏi người nhiều, nhiều trường hợp cho biết đau người hơn bị COVID. Còn sốt xuất huyết thường đau người, mệt lả, li bì.

Đặc trưng của cúm là có kèm theo viêm long đường hô hấp. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết cũng bị viêm long đường hô hấp, nguyên nhân là do người bệnh đồng thời mắc cả sốt xuất huyết và viêm đường hô hấp trên, hoặc đồng thời mắc virus cúm.

Do vậy, người dân khi có các dấu hiệu sốt, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp, ớn lạnh nên đi làm xét nghiệm cho chắc chắn. Việc dựa vào các triệu chứng nhiều khi không đặc hiệu. Một số bệnh nhân đợi 5,6 ngày xem có phát ban để biết chính xác là sốt xuất huyết hay không thì sẽ chuẩn đoán và điều trị muộn, TS. Hoài khuyến cáo.

Với bệnh nhân cúm dù qua giai đoạn sốt có thể ho kéo dài, tức ngực, khó thở, viêm phổi bội nhiễm, viêm cơ tim, tim mạch, nhiễm khuẩn huyết… những trường hợp nặng rất khó cho quá trình điều trị sau này.

Đặc biệt với các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh về hô hấp như hen phế quản, COPD, lao phổi cũ nếu bị cúm bệnh sẽ dễ trở nặng hơn… Do vậy cần thăm khám, phát hiện sớm.

Việc thăm khám, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng. Có nhiều gia đình một người mắc sau đó lây lan cho cả các thành viên khác, nếu bệnh nhân được thăm khám, phát hiện sớm để có thuốc điều trị và các biện pháp dự phòng sớm sẽ ngăn chặn được sự lây lan của mầm bệnh, BS. Hoài cho biết.

Chăm sóc bệnh nhân cúm B tại nhà thế nào để nhanh chóng hồi phục sức khỏe?

TS. BS Bùi Thị Thu Hoài khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị cúm, người bệnh cần thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm. Những trường hợp sốt cao liên tục, có bệnh nền, trẻ nhỏ sốt cao co giật nên được theo dõi tại bệnh viện.

Còn các bệnh nhân mắc cúm B thông thường có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cần giải thích cho người bệnh biết đây là căn bệnh do virus gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị dứt điểm được ngay thời điểm sốt mà theo diễn biến tự nhiên, điều trị triệu chứng.

Nhiều trường hợp bác sĩ có chỉ định điều trị tại nhà nhưng 2, 3 ngày không thấy hạ sốt lại yêu cầu được vào viện điều trị. Với bệnh nhân cúm B yêu cầu hết sốt ngay khi gặp bác sĩ là không thể, mà triệu chứng sốt thường kéo dài 3-5 ngày. Nếu chưa có các dấu hiệu nguy hiểm thì cứ yên tâm điều trị tại nhà.

Các dấu hiệu nguy hiểm gồm những bệnh nhân sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, tức là uống thuốc hạ sốt không giảm, li bì, bệnh nhân khó thở, thở nhanh, tay chân co quắp, tím tái, tức ngực… cần phải nhập viện ngay.

Còn các triệu chứng sốt, đau mỏi người là triệu chứng chung của cúm B, bệnh nhân nên yên tâm điều trị tại nhà.

Việc chăm sóc tại nhà rất quan trọng giúp bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng khó chịu.  Có thể chườm mát, nhiệt độ chườm thấp hơn nhiệt độc cơ thể 3-4 độ C, không chườm lạnh quá hoặc nóng quá cơ thể không hạ sốt do không có tác dụng truyền nhiệt.

Uống nhiều nước, nên ăn lỏng, uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định cách 4-6 tiếng, uống đúng liều cho phép.

Bệnh nhân có viêm long đường hô hấp ngoài dùng thuốc theo đơn bác sĩ có thể chăm sóc đường hô hấp bằng cách súc miệng họng bằng nước muối, vệ sinh mũi họng, giảm bớt các thực phẩm gây kích ứng hầu họng như cay, chua, nóng. Điều quan trọng  cần nâng cao thể trạng để trải qua giai đoạn bệnh từ 7-10 ngày. Tăng sức đề kháng bằng cách bổ dung các loại vitamin C, vitamin tổng hợp.

Cần có người ở cùng chăm sóc theo dõi để phát hiện các trường hợp diễn biến nặng.

Theo Ngọc Anh (Sức khỏe đời sống)
https://suckhoedoisong.vn/dung-nham-lan-cum-b-va-sot-xuat-huyet-169221107142318351.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/dung-nham-lan-cum-b-va-sot-xuat-huyet-169221107142318351.htm
Bài liên quan
Những điều cha mẹ cần phải biết về bệnh cúm B
Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp đang có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trẻ mắc cúm B.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân biệt cúm B và sốt xuất huyết