- Theo ông, việc phân luồng để đánh giá năng lực học sinh nên bắt đầu từ năm nào và thực hiện ra sao?
- Phân luồng học sinh nên bắt đầu ngay từ cấp THCS nhưng chú trọng đến những lớp cuối cấp (lớp 8, 9 đặc biệt là lớp 9); vì cơ bản đến lớp 9 học sinh đã hình thành được kiến thức, kỹ năng của cấp THCS, do đó việc phân luồng tương đối chính xác.
Để thực hiện tốt công tác phân luồng, thực hiện chỉ đạo của ngành, Phòng GD&ĐT đã quan tâm bố trí đủ giáo viên tham gia giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh lớp 9; 100% đơn vị trường THCS đều thực hiện nội dung giảng dạy về giáo dục hướng nghiệp theo quy định, đồng thời phối hợp với các trung tâm GDNN-GDTX tổ chức hoạt động ngoại khóa tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Thường xuyên kiểm tra, tổ chức khảo sát định kỳ đối với học sinh để nắm bắt thực trạng của các nhà trường, từ đó điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, đạt hiệu quả.
Chỉ đạo các nhà trường đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động, tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các trường đào tạo nghề, các công ty, cơ sở nghề truyền thống ở địa phương…
- Để công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh tốt nghiệp sau THCS đạt hiệu quả cao cần thực hiện những gì?
- Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các cơ sở giáo dục phổ thông, phụ huynh, học sinh.
Đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán (giáo dục STEM) phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đặc biệt, quan tâm tuyên truyền về những tấm gương thợ giỏi, làm nghề giỏi, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, từ đó giúp học sinh, phụ huynh học sinh tự tin cho con vào học các trường nghề, không còn tâm lý e ngại…, đồng thời giảm chi phí tốn kém cho gia đình và xã hội.