Sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, UBND các phường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại với phụ huynh những học sinh không đủ điểm vào các trường công lập. Tham gia buổi đối thoại có cả trường THCS nơi học sinh vừa tốt nghiệp.
Nội dung buổi gặp, ngoài tìm hiểu hoàn cảnh, kinh tế gia đình, nguyện vọng muốn tiếp tục đi học hay học nghề, UBND các phường còn mời trường trung cấp, trường nghề tham gia tư vấn cho phụ huynh. Nếu điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, học sinh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía trường nghề và địa phương trong quá trình theo học.
Thầy Phạm Thanh Bửu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hướng nghiệp – hướng nghề cho học sinh lớp 9: “Sẽ thuyết phục phụ huynh hơn khi con em họ có thể vừa học văn hóa để lấy bằng tốt nghiệp THPT vừa học nghề. Vì vậy, những học sinh học lực yếu, nhà trường tổ chức tư vấn riêng từng phụ huynh để đạt hiệu quả cao”.
Bà Lê Thị Thảo - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Trong đó, sẽ tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tiếp cho học sinh THCS của 15/15 huyện, thị xã và thành phố.
“Tư vấn trực tiếp sẽ nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ, học sinh, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau THCS. Phụ huynh, học sinh được giải đáp những câu hỏi về lựa chọn tổ hợp bộ môn, định hướng nghề nghiệp, việc làm. Đặc biệt, tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, cha mẹ và xã hội hiểu đủ, đúng về phân luồng sau THCS”, bà Thảo thông tin.
Có con đang học lớp 9, chị Tôn Nữ Mai Anh (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã được giải tỏa tâm lý rất nhiều sau khi tổ tư vấn của sở GD&ĐT giải đáp thắc mắc.
Con đầu của chị Mai Anh đang học lớp 11, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Krông Năng. Chị cho biết, khi không đủ điều kiện xét tuyển vào trường THPT công lập, gia đình và con rất áp lực vì ai cũng nói, “học GDTX làm gì”.
“Nhưng sau khi được tư vấn việc học sau THCS phải phù hợp khả năng học tập, tôi nhận ra mình quan niệm chưa đúng. Tôi mải buôn bán, ít quan tâm việc học nên các cháu có học lực trung bình, thậm chí một số môn yếu. Nếu con học yếu mà cố chen vào THPT, chắc gì đã theo kịp các bạn. Từ đó có thể dẫn đến chán học, bỏ học, đi chơi thì nguy hiểm hơn”, chị Mai Anh nói thêm.
Krông Năng là huyện vùng sâu, điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục còn khó khăn, nhất là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Trần Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho hay:
“Việc phối hợp tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh và phân luồng sau THCS cho học sinh, gia đình rất thiết thực. Giúp địa phương định hướng cụ thể tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp lớp 9 được học đúng tuyến, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình. Năm ngoái, một số người dân chưa hiểu hết việc phân luồng tuyển sinh dẫn đến phản ánh sai sự thật khi con không đủ điều kiện vào trường THPT”.
Năm học 2024 - 2025, dự kiến toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 31 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó chỉ có hơn 23 nghìn vào được các trường THPT. Các trung tâm GDNN - GDTX sẽ tuyển hơn 5 nghìn học viên, số còn lại sẽ học ở các trường nghề kết hợp học văn hóa.
Theo bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, tuy hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương phát triển, đa dạng về ngành nghề, tuy nhiên công tác tư vấn nghề chưa sâu, dẫn đến việc thu hút học viên tham gia học nghề chưa cao. Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp sử dụng nhân lực chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến tâm lý ngại học nghề của phụ huynh và học sinh…