Các nhà khoa học phát hiện và mô tả 3 loài mới cho khoa học thế giới và bổ sung 6 loài cho khu hệ thực vật Việt Nam.
Phát hiện được thực hiện bởi PGS.TS Đỗ Văn Trường và cộng sự tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Trường, ở Việt Nam, hệ thống hang động chứa đựng nhiều giá trị sinh học độc đáo, điều này được thể hiện qua những phát hiện và mô tả gần đây về một số loài động vật mới cho khoa học từ các hang động ở Việt Nam.
Khu hệ hang động luôn có tiềm năng phát hiện nhiều loài sinh vật quý hiếm, có giá trị, là cơ sở để nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế xã hội. Đáng tiếc là chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ, chi tiết và hệ thống về tính đa dạng khu hệ thực vật trong hệ thống hang động ở Việt Nam nói chung và ở miền Bắc nói riêng.
Gần đây, hoạt động du lịch sinh thái, tâm linh ở nước ta được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, nhiều hệ thống hang động ở Miền Bắc như: Hang Kho Mường (Thanh Hóa), Động Thiên Cung (Hạ Long, Quảng Ninh), Động Hương Tích (Hà Nội), Hang Quân Y (Hải Phòng)… được cải tạo để đáp ứng nhu cầu cho du khách.
Bên cạnh sức ép về hoạt động du lịch, quá trình cải tạo đã và đang làm thay đổi hay mất môi trường sống của một số loài thực vật trong hang động, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Để làm rõ giá trị đa dạng sinh học của các hang động này, nhóm các nhà khoa học đã thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tính đa dạng thực vật hang động ở miền Bắc Việt Nam”.
Qua điều tra, các nhà khoa học đã thu thập được 934 mẫu tiêu bản thực vật của 539 số hiệu mẫu vật ở 33 hang động thuộc địa bàn 8 tỉnh miền Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa).
Thành quả của nghiên cứu này là nhóm đã phát hiện và mô tả 3 loài mới cho khoa học và bổ sung 6 loài cho khu hệ thực vật Việt Nam. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã xác định được 337 loài thuộc 142 chi của 63 họ thực vật hang động miền Bắc.
Trong đó, nhóm dương xỉ (Pteridophytes) gồm 53 loài (chiếm 15,73%), thuộc 22 chi (chiếm 15,49%) và 14 họ (chiếm 22,22%); nhóm hạt kín (Angiospermae) đa dạng hơn với 284 loài (chiếm 84,27%), thuộc 120 chi (chiếm 84,51%) của 49 họ (chiếm 77,78%).
Các nhà khoa học đã thiết lập phổ dạng sống của hệ thực vật ở hang động miền Bắc. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, thành phần loài thực vật đã có sự thay đổi theo chiều hướng giảm rõ rệt, từ miệng hang đến phần giữa hang và tỷ lệ tái sinh thấp, giảm dần từ phần miệng hang đến vùng ánh sáng yếu; phụ thuộc vào đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình, đặc điểm sinh học của loài.
Trong nghiên cứu, tình trạng nguy cấp của 25 loài thực vật hang động ở miền Bắc đã được xác định nằm trong Danh lục Đỏ của IUCN (2023), 4 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 5 loài được liệt kê trong NĐ84/2021/NĐ-CP. Từ kết quả này, các nhà khoa học bước đầu đã đánh giá tình trạng nguy cấp và hiện trạng bảo tồn cho 6 loài thực vật hang động mới được mô tả gần đây.
Nhóm đã xác định được 221 loài có giá trị sử dụng, trong đó có 107 loài sử dụng làm cảnh (chiếm 31,75%), 82 loài sử dụng làm thuốc (chiếm 24,33%), 40 loài là nguồn gen quý hiếm (chiếm 11,87%), 15 loài sử dụng lấy gỗ củi (chiếm 4,45%), 14 loài làm lương thực, thực phẩm (chiếm 4,15%), 4 loài sử dụng làm dây buộc (chiếm 1,19%).
Cơ sở dữ liệu hình thái, sinh thái cho 337 loài thực vật được ghi nhận trong các hang động với các trường dữ liệu cơ bản; xây dựng dữ liệu phân tử cho 25 loài thực vật hang động đặc hữu hay các loài mới được phát hiện và mô tả ở Việt Nam cũng đã được xây dựng.
PGS.TS Đỗ Văn Trường chia sẻ đây là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn cao, cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu, có giá trị, góp phần phát triển kinh tế xã hội, khôi phục hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi ở Việt Nam.
Với những thành công bước đầu, các nhà khoa học mong muốn tiếp tục điều tra, nghiên cứu, phân tích và định loại các mẫu đã thu thập nhưng chưa đủ căn cứ để định loại đến loài. Đồng thời, cần tiếp tục điều tra bổ sung thành phần loài thực vật hang động ở khu vực núi đá vôi ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Về hoạt động nghiên cứu sàng lọc, bảo tồn các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm của khu vực núi đá vôi nói chung và khu vực hang động nói riêng cần được đẩy mạnh vì đây là căn cứ quan trọng để khai thác, sử dụng nguồn gen độc đáo làm cơ sở phục hồi cảnh quan hang động phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển du lịch.