Giáo dục

Phát huy nguồn lực giáo viên cốt cán

31/07/2024 13:56

Chưa có chế độ khuyến khích tương xứng là khó khăn để phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán ở nhà trường, địa phương...

Triển khai Chương trình GDPT 2018, giáo viên cốt cán có đóng góp quan trọng, đặc biệt trong hỗ trợ đồng nghiệp, tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục và góp ý, lựa chọn sách giáo khoa… Tuy nhiên, việc chưa có chế độ khuyến khích tương xứng là khó khăn để phát triển đội ngũ này ở nhà trường, địa phương.

Trăn trở người trong cuộc

13 năm là giáo viên cốt cán của tỉnh, cô Vũ Thị Anh - giáo viên Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên chia sẻ nhiệm vụ trong vai trò này là hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường, hoặc các trường trên địa bàn huyện về kế hoạch bài dạy, sinh hoạt chuyên môn; hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng qua Internet.

Cô cũng tham gia bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên nhà trường hoặc các trường trên địa bàn; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu hằng năm của ngành; chấm bài của giáo viên khi kết thúc khóa bồi dưỡng về Chương trình GDPT 2018.

“Giáo viên cốt cán thường được sở GD&ĐT cử tham gia các lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT; hội đồng góp ý, lựa chọn sách giáo khoa; hoặc làm báo cáo viên cho sở trong hoạt động tập huấn do địa phương tổ chức. Giáo viên cốt cán còn tham gia tổ chức, báo cáo chuyên môn, nghiệp vụ tại hội nghị chuyên đề, buổi sinh hoạt chuyên môn của trường hoặc các trường trên địa bàn”, cô Vũ Thị Anh chia sẻ.

Đảm nhiệm nhiều công việc như vậy, nhưng không có thêm chế độ nào để động viên, khuyến khích. Theo cô Vũ Thị Anh, vì vẫn phải hoàn thành việc giảng dạy trên lớp, nên để tham gia các lớp tập huấn, giáo viên cốt cán phải tự chủ động đổi giờ, sắp xếp công việc. Nhà trường tạo điều kiện điều động giáo viên dạy thay, nhưng trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ.

Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ) đã xây dựng, bồi dưỡng, lựa chọn mỗi môn học có một giáo viên cốt cán. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ này ở các môn không đồng đều. Khó khăn lớn nhất, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng, là chưa có quy định về chế độ bồi dưỡng.

Cụ thể, chưa có chế độ giảm giờ dạy, quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn để được công nhận giáo viên cốt cán cấp trường, tỉnh. Việc xác định giáo viên cốt cán cơ bản thông qua hiệu quả giờ dạy, đánh giá của giáo viên cùng chuyên môn và học sinh. Những điều này ảnh hưởng đến việc phấn đấu trở thành cốt cán của giáo viên.

Chia sẻ của thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), hiện nhà trường có 1 cốt cán là giáo viên dạy Giáo dục công dân. Nhiệm vụ giáo viên cốt cán được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo phổ thông.

Thực tế, giáo viên cốt cán tự bồi dưỡng, hỗ trợ đồng nghiệp, vừa phải tham gia công tác giảng dạy, các khóa tập huấn, công việc chuyên môn khác do sở/phòng GD&ĐT điều động, nhưng chưa có quy định cụ thể về quyền lợi (chế độ báo cáo, chấm bài, hỗ trợ đồng nghiệp...). Do đó, thầy cô gặp khó khăn trong sắp xếp, bố trí thời gian làm việc; nhà trường thì khó chi trả chế độ cho đội ngũ này.

phat huy nguon luc giao vien cot can.jpg
Cô Đỗ Thị Hồi - giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 và học trò trong giờ học. Ảnh: NVCC

Mong quy định chế độ làm việc

Cũng là giáo viên cốt cán, cô Đỗ Thị Hồi - Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nhiều năm nay làm tốt vai trò hỗ trợ đồng nghiệp phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn; tham gia biên soạn và thực hiện các chuyên đề dạy học; hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học; tham gia bồi dưỡng giáo viên qua mạng…; nhưng quyền lợi được hưởng hầu như không có.

Trước thực tế này, cô Đỗ Thị Hồi mong muốn có quy định về chế độ bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán trong từng đợt công tác, hoặc nhiệm vụ. Đồng thời, tổ chức hoạt động cho giáo viên cốt cán được giao lưu, học tập thực tế từ đơn vị có nhiều mô hình tốt.

Cô Vũ Thị Anh thì mong muốn có quy định: Giáo viên cốt cán đi tập huấn có chế độ và giảm tiết dạy tương xứng; có hình thức khích lệ, động viên, đặc biệt sau những đợt giáo viên cốt cán được sở/phòng GD&ĐT huy động làm báo cáo viên. Nhà trường tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ công việc trong thời gian được cử đi tập huấn, giúp thầy cô yên tâm, toàn tâm và trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chia sẻ giải pháp phát huy nguồn lực giáo viên cốt cán, bên cạnh kịp thời phát hiện cá nhân có năng lực, trách nhiệm, thầy Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Trường THCS Thụy Liên luôn tạo mọi điều kiện để giáo viên cốt cán hoàn thành nhiệm vụ, như: Sắp xếp, bố trí thời khóa biểu hợp lý; căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ để có hỗ trợ kinh phí cho giáo viên cốt cán khi làm nhiệm vụ...

Tuy nhiên, về lâu dài cần quy định rõ chế độ làm việc cho giáo viên cốt cán: Quy đổi ra số tiết dạy (để trừ giờ); chi trả kinh phí đi công tác, thực hiện các công việc giáo viên cốt cán như đứng lớp (các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ), làm chuyên đề, ngoại khóa, tham gia hội thảo, chấm bài kiểm tra bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên… Có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời giáo viên cốt cán hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại Trường THPT Tân Sơn, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, giáo viên cốt cán được lựa chọn bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn; tạo điều kiện thuận lợi nhất để học tập, bồi dưỡng, dự các hội thảo trong và ngoài tỉnh; giảm tối đa số giờ lên lớp để tham gia hướng dẫn chuyên môn trong nhóm theo điều kiện cụ thể về đội ngũ của nhà trường. Dù vậy, vẫn cần quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn của giáo viên cốt cán cấp trường, tỉnh; có quy định về nhiệm vụ, chế độ của giáo viên cốt cán để thầy cô có mục tiêu phấn đấu, khẳng định mình trong nghề.

Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng có nhiều giải pháp phát huy nguồn lực đội ngũ giáo viên cốt cán. Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, bên cạnh công tác nâng cao nhận thức về sự cần thiết phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán, ngành Giáo dục chủ động phát hiện, lựa chọn giáo viên có năng lực để xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng, bổ sung, thay thế giáo viên cốt cán hiện có khi cần thiết. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên cốt cán phát triển năng lực, trong đó có thực hiện tốt chế độ, chính sách, tạo động lực phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán…

Giáo viên cốt cán thường xuyên đi tập huấn, họp chuyên môn, tham gia các hội đồng góp ý, bình chọn sách giáo khoa, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp… Kiêm nhiệm nhiều việc nhưng vẫn làm nhiệm vụ của cán bộ quản lý, giáo viên, phải bảo đảm các tiết dạy chuẩn theo quy định nên quá tải thời gian làm việc. - Ông Nguyễn Quang Minh

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-nguon-luc-giao-vien-cot-can-post693826.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-nguon-luc-giao-vien-cot-can-post693826.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy nguồn lực giáo viên cốt cán