Nên đưa môn văn làm tiêu chí phụ vào ngành hẹp
Hiện một số ý kiến cho rằng học sinh giỏi văn rất phù hợp với định hướng xây dựng những bác sĩ gia đình trong tương lai phục vụ cho cả chuyên khoa và đa khoa.
Đặc biệt, ngành chăm sóc sức khỏe liên quan đến "tư vấn, truyền thông - giáo dục sức khỏe, tâm lý trị liệu, y học dự phòng, quản lý sức khỏe gia đình" nên cần môn ngữ văn.
"Tôi cho rằng đây là điều kiện cần nhưng quan trọng nhất, trước tiên họ phải đạt chuẩn của một bác sĩ. Vì thế những chuyên ngành về tâm lý học cần thêm tiêu chí phụ là môn ngữ văn (thông qua tính hệ số với trọng số thấp).
Hoặc sau khi vào trường Y, để vào chuyên ngành hẹp, nhà trường sẽ có các bài kiểm tra năng lực, vấn đáp, viết luận..., để phân loại thí sinh chính xác hơn.
Một số người nói rằng, bác sĩ, nhân viên y tế có khả năng giao tiếp, thuyết trình, hùng biện và tương tác tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng.
Theo tôi, các kỹ năng này ngành nghề nào cũng cần và để thực hiện tốt, người đó phải học tập, rèn luyện, trải nghiệm nhiều mới thành thục chứ không chỉ học tốt môn ngữ văn", thầy Khánh phản biện.
Đồng tình với quan điểm này, em Nguyễn Thủy Tiên, sinh viên năm 3 Trường Đại học Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói, việc đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y là chưa đủ và không thể thay thế các môn học truyền thống xưa nay.
Do đó theo Thủy Tiên, môn văn chỉ nên là tiêu chí phụ trong xét tuyển vào các ngành Y, còn các môn học thuộc khối A (toán, lý, hóa), khối B (toán, hóa, sinh) vẫn quan trọng nhất, không thể thay thế.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc dùng điểm văn xét tuyển ngành Y cần cân nhắc kỹ bởi môn học đó chưa gần cận.
Các bạn muốn học Y dược thông thường là những người có khả năng về sinh học, hóa học. Cũng có nhiều bạn văn giỏi nhưng chỉ lấy điểm văn để xét tuyển thì… hơi dở.
"Trên thế giới, xu hướng thông thường người ta xét tuyển sau cử nhân để vào ngành Y, chẳng hạn ở Mỹ thông thường là cử nhân sinh học hay hóa học hay vật lý…", thầy Thành nói.