Phát triển Đông Nam bộ thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước

06/04/2023, 21:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nằm ở vị trí địa lý hết sức thuận lợi, Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm, đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh, thành phía Nam với cả nước và quốc tế. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập về hệ thống giao thông kết nối thời gian qua đang là trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển chung. Do vậy, các tỉnh, thành trong vùng cần phối hợp chặt chẽ tìm ra nhiều giải pháp giải quyết “điểm nghẽn” giao thông kết nối liên vùng, thúc đẩy Đông Nam bộ phát triển thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Nằm giáp với tỉnh Đồng Nai, địa phương phát triển công nghiệp mạnh bậc nhất cả nước, nhưng Bình Phước lại chưa có tuyến đường nối với Ðồng Nai dù hệ thống giao thông khá hoàn thiện. Hiện nhiều doanh nghiệp ở Ðồng Nai mở rộng sản xuất và đặt nhà máy gia công tại Bình Phước, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà vì tuy khoảng cách địa lý không xa nhưng thiếu các cung đường kết nối, đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Điều này làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước.

Phối hợp thực hiện các giải pháp

Theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, cần có sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương, quy hoạch vùng và triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối. Từ định hướng của Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù, TP Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối, cũng như nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù phát triển vùng,...

Thực tế, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều kế hoạch để phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng Đông Nam bộ và các vùng phụ cận, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư lên đến trên 400.000 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2021 - 2026, tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải như: Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (92 km); các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (52km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai), Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (54 km), Bến Lức - Long Thành (58 km); mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong vùng Đông Nam Bộ lên khoảng 348 km.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, cần tập trung vào một số giải pháp; trong đó có việc đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ trong công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, để việc liên kết vùng Đông Nam bộ hiệu quả hơn cần các yếu tố như tổ chức, cơ chế, nguồn lực và thống nhất quan điểm của các địa phương trong vùng. Không chỉ phát triển giao thông đường bộ mà cần tận dụng tiềm năng và phát triển tất cả các mạng lưới giao thông kết nối như đường không, đường thủy, đường sắt.

Từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lên kế hoạch tập trung chủ yếu vào phát triển hệ thống giao thông kết nối. Thứ nhất, về đường bộ khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào đầu năm 2023 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.

Thứ hai, đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh; trong đó có đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu đang trình Chính phủ phê duyệt dự án tiền khả thi, sau đó chuẩn bị các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào năm 2024 và dự kiến kết thúc vào năm 2030, đồng bộ với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tp. Hồ Chí Minh khai thác toàn bộ đường Vành đai 4.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu Lương Anh Tuấn cho biết, giao thông kết nối (liên tỉnh, liên vùng) được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định là vấn đề sống còn trong phát huy và khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Riêng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế, công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Qua đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khi kết hợp cùng sân bay quốc tế Long Thành.

Theo Dòng Vốn Kinh Doanh
https://dongvon.doanhnhanvn.vn/phat-trien-dong-nam-bo-thanh-vung-dong-luc-tang-truong-lon-nhat-ca-nuoc-4320234621856344.htm
Copy Link
https://dongvon.doanhnhanvn.vn/phat-trien-dong-nam-bo-thanh-vung-dong-luc-tang-truong-lon-nhat-ca-nuoc-4320234621856344.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển Đông Nam bộ thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước