Phát triển khu công nghệ cao: Tại sao chưa xứng tầm?

01/04/2023, 09:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hơn 2 thập kỷ qua, sự ra đời của các khu công nghệ cao đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư công nghệ cao từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước; kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất với nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và thu hút đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghệ cao được đánh giá là chưa xứng tầm, chưa phát huy được như kỳ vọng.

Vướng mắc kéo dài trong mô hình quản lý

Có tuổi đời ít hơn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập vào năm 2010, đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.985 tỷ đồng và 607,6 triệu USD, với 26 dự án trong nước và FDI.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, mô hình quản lý các khu công nghệ cao hiện nay có một số hạn chế như: Luật Công nghệ cao năm 2008 không điều chỉnh mô hình quản lý khu công nghệ cao, Nghị định số 99/2003/NĐ-CP (về việc ban hành quy chế khu công nghệ cao) điều chỉnh mô hình quản lý tại các điều 34, 35, 36 là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ thành lập các ban quản lý. Gần 20 năm nay, mô hình quản lý vẫn chưa có nền tảng pháp lý vững chắc, chưa theo kịp tốc độ phát triển các khu công nghệ cao; chưa có một cơ chế hợp tác, liên kết rõ nét với vai trò điều phối của Bộ chủ quản trong công tác quản lý nhà nước theo một chiến lược phát triển các khu công nghệ cao chung trên bình diện quốc gia.

Ban quản lý là cơ quan đăng ký đầu tư nhưng vẫn chưa có thẩm quyền tổ chức đánh giá, hậu kiểm về công nghệ của dự án đầu tư. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ Đà Nẵng cho rằng, cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp uỷ quyền cho các cơ quan liên quan, nhất là các Ban quản lý. Bởi hiện nay, ngoài các thẩm quyền được phân quyền tại Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, ban quản lý được quy định nhiều chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước nhưng trên thực tế, việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn do chưa được quy định trong pháp luật chuyên ngành và không được bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cũng kiến nghị sớm ban hành một Nghị định mới quy định về Khu Công nghệ cao, trong đó xác định khung mô hình quản lý nhà nước, cơ chế phân cấp, uỷ quyền hoạt động quản lý nhà nước dưới sự giám sát, hướng dẫn, điều phối của bộ chủ quản, từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý, tạo đà phát triển các khu công nghệ cao trên cả nước. Về dài hạn, cần xây dựng một luật riêng về khu công nghệ cao, trong đó có nội dung điều chỉnh mô mình quản lý, phân quyền, phân cấp uỷ quyền đối với ban quản lý.

Trong khi đó, dù được đánh giá là thành công nhất cả nước nhưng thực tế phát triển Khu Công nghệ cao TPHCM cũng đang bộc lộ những bất cập về cơ chế, chính sách ưu đãi không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, Khu Công nghệ cao TPHCM có 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỉỷ USD, gồm: 51 dự án FDI với tổng vốn hơn 10,1 tỷ USD, và 111 dự án trong nước với gần 2 tỷ USD.

Nêu vướng mắc về cơ chế một cửa, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, trong giai đoạn 15 năm đầu thành lập Khu công nghệ cao TPHCM (từ năm 2002), bên cạnh chính sách ưu đãi cao, thì cơ chế “một cửa” đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao.

Với cơ chế này, phần lớn các thủ tục hành chính để thực hiện một dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, khiến thời gian triển khai dự án nhanh. Tuy nhiên, với sự ra đời các văn bản pháp luật liên ngành, thẩm quyền giải quyết thủ tục được đưa về các sở, ngành chuyên môn, cụ thể thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ tục quy hoạch thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch-Kiến trúc...

Điều này làm cho việc cấp phép và triển khai dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao TPHCM phải qua “nhiều cửa” nên mất rất nhiều thời gian. Trước đây, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng cho các thủ tục, nhưng đến nay họ phải mất 2 năm mới hoàn thành và triển khai xây dựng dự án. Trong khi đó, bản chất các ngành công nghệ cao là phát triển sản phẩm và ra thị trường nhanh. Thủ tục hành chính lâu sẽ khiến công nghệ mất đi tính đột phá, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Khu Công nghệ cao TPHCM và các khu công nghệ cao khác.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, cần sửa đổi quy định để các thủ tục được thu gọn về một đầu mối, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp.

Có thể thấy, sau nhiều năm đi vào hoạt động, các khu công nghệ cao gặp những vướng mắc kéo dài đến nay chưa được tháo gỡ. Trước những yêu cầu phát triển mới, để nâng cao hiệu quả của khu công nghệ cao cần giải quyết những vấn đề căn cơ nhất, từ hành lang pháp lý, chiến lược phát triển, việc phân cấp, phân quyền đến những cơ chế đặc thù mang tính đột phá về thuế, thủ tục đầu tư, đất đai… để các khu công nghệ cao thực sự hoạt động như "cửa khẩu" công nghệ cao của Việt Nam.

(còn tiếp)


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/phat-trien-khu-cong-nghe-cao-tai-sao-chua-xung-tam-102230331221826658.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/phat-trien-khu-cong-nghe-cao-tai-sao-chua-xung-tam-102230331221826658.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển khu công nghệ cao: Tại sao chưa xứng tầm?