- Quyền được chơi.
- Quyền được hỏi tại sao?
Đó cũng chính là quyền được sử dụng trí tưởng tượng. Trong não trẻ em có thể có hàng vạn câu trả lời, xin đừng nói với các em rằng đó chỉ là 1 chữ “O”, đừng bẽ gãy chiếc cánh tưởng tượng của các em. Khi con thiên nga bị mất đi chiếc cánh thì nó không thể bay, khi chúng ta bị mất đi chiếc cánh thì sẽ không bao giờ tìm được thiên đường của niềm vui sáng tạo nữa.
Ảnh minh họa: IT |
Từ câu chuyện trên, chúng ta thấy năng lực tưởng tượng của học trò là vô cùng quan trọng. Mỗi một học trò đã có cả một kho trí tưởng tượng phong phú. Trí tưởng tượng ấy có thể là mơ hồ, không thực tế. Nhưng cũng có những phát minh lớn lao tầm nhân loại bắt đầu từ một trong những trí tưởng tượng ấy của học trò. Albert Einstein - nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại - từng nói: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức. Tri thức có giới hạn, còn trí tưởng tượng là vô cùng”. Và bản thân nhà bác học cũng đã có nhiều phát minh vĩ đại bắt đầu từ trí tưởng tượng như thế.
CTGDPT 2018, ở tất cả các bộ môn đều được thiết kế theo hướng mở. Đó chính là “khoảng trống” để giáo viên khai thác sự sáng tạo của mình trong việc phát triển các năng lực cho học trò, trong đó có năng lực trí tưởng tượng. Môn học Ngữ văn là một ví dụ, trong các bộ sách giáo khoa, các tác phẩm văn học được tuyển chọn đưa vào giảng dạy chỉ là minh họa giúp cho việc đọc hiểu các tác phẩm văn học khác ở cùng thể loại. Nghĩa là, khi kiểm tra đánh giá, giáo viên buộc phải tìm một tác phẩm mới (ngoài SGK) để đánh giá năng lực cảm thụ văn học của học trò. Và vì thế, người học cũng không còn phải học thuộc, phải tìm hiểu các bài văn mẫu… để làm bài.
Kết quả của quá trình đọc mở rộng này sẽ giúp học trò thoải mái sử dụng trí tưởng tượng để khám phá vẻ đẹp bất tận của văn chương. Chẳng hạn, khi dạy bài 1, chủ đề “Sức hấp dẫn của truyện kể” (Ngữ văn 10, Kết nối trí thức), giáo viên có thể gợi mở cho học trò đọc ở nhà về truyện thần thoại, truyện trung đại, truyện hiện đại. Đến lớp, trong tiết “nói và nghe”, học sinh có thể giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bất cứ một tác phẩm truyện nào mình yêu thích cho cả lớp cùng nghe.
Và đến tiết thực hành viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện (Chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật), học sinh có thể cảm nhận bất cứ tác phẩm văn học nào mà giáo viên yêu cầu ở đề thi. Về địa điểm tiến hành bài viết cũng không giới hạn về không gian, thời gian: Học sinh có thể viết tại lớp hoặc viết ở nhà đăng lên nhóm học tập nhiều lần (sau khi có sự chỉnh sửa theo góp ý của giáo viên, bạn bè trong lớp…). Tương tự như thế, đến bài 2, chủ đề “Vẻ đẹp của thi ca”, giáo viên cũng khơi gợi cho học sinh tự tìm đọc các thi phẩm thuộc các thể loại như thơ
Hai-ku, thơ Đường luật, thơ tự do… Ví dụ khi dạy tiết đọc “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, giáo viên có thể giới thiệu nhan đề một số bài thơ khác của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận… để học sinh về nhà sưu tầm đọc. Đến các tiết “viết”, “nói và nghe”, giáo viên sẽ cho học sinh cảm thụ. Cách kiểm tra có thể chỉ cần yêu cầu học sinh cảm nhận về một khổ thơ/ một đoạn thơ. Như thế, giáo viên có thể kiểm tra, đánh giá được nhiều học sinh hơn. Rõ ràng, với các thiết kế chương trình, SGK như thế, người học sẽ được khơi gợi về trí tưởng tượng nhiều hơn trong quá trình khám phá những vẻ đẹp của văn chương. Và một khi, trí tưởng tượng được chắp cánh, suy nghĩ không còn bị “nhốt” vào các bài văn mẫu, các bài giảng mẫu… học trò sẽ đam mê hơn với việc học văn.
William Arthur Ward từng nói: “Nếu bạn có thể tưởng tượng, bạn sẽ đạt được nó. Nếu bạn có thể ước mơ bạn sẽ trở thành nó”. Albert Einstein cũng nhấn mạnh rằng, “Logic sẽ đưa anh từ điểm A đến điểm B. Trí tưởng tượng sẽ đưa anh tới mọi nơi”. Vai trò của trí tưởng tượng là vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, dạy học CTGDPT 2018, rất cần sự đổi mới nhận thức, đổi mới phương pháp của giáo viên trong quá trình dạy học để từ đó phát hiện, phát triển năng lực tưởng tượng cho người học.