Giáo dục mở là giải pháp hỗ trợ, bổ sung cho sự phát triển toàn diện của nền giáo dục Việt Nam, mà ở đó điểm nhấn là phát triển tài nguyên giáo dục mở.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề này cần được quan tâm đúng mức, với những giải pháp đồng bộ.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, mục tiêu cơ bản của sự nghiệp xây dựng xã hội học tập là thực hiện được việc học tập suốt đời của người dân. Trên cơ sở đó, hình thành mô hình “Công dân học tập” trong từng giai đoạn phát triển xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nền sản xuất tiếp cận với những thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Sự xuất hiện những công nghệ mới, sáng chế, phát minh, mô hình sản xuất tiềm năng, ý tưởng khởi nghiệp... phần lớn bắt nguồn từ tri thức mới. Những tri thức mới đó chỉ có thể khai thác từ tài nguyên giáo dục mở. Nguồn tài nguyên này càng mở rộng quy mô, muôn màu, muôn vẻ về nội dung, phong phú về hình thức thì con người càng có cơ hội để phát huy năng lực, sức sáng tạo của mình.
Nhấn mạnh, xã hội học tập là mô hình giáo dục mở; trong đó mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ học tập suốt đời, GS.TS Phạm Tất Dong nhìn nhận, mô hình này tạo cơ hội và điều kiện để tất cả công dân được bình đẳng và công bằng trong học tập. Xã hội học tập được các quốc gia trên thế giới nhận thức là một triết lý, coi học tập như chìa khóa mở ra sự phát triển bền vững. Việc học tập của mọi công dân không chỉ trong khuôn khổ giáo dục chính quy, mà còn dưới hình thức giáo dục không chính quy và phi chính quy.
GS.TS Phạm Tất Dong phân tích, trong xã hội học tập, có hai thiết chế giáo dục với những chức năng khác nhau: Hệ thống giáo dục ban đầu và hệ thống giáo dục tiếp tục. Hệ thống giáo dục ban đầu gồm những trường, lớp giáo dục chính quy dành cho thế hệ trẻ, từ nhà trẻ đến đại học. Hệ thống giáo dục tiếp tục gồm những thiết chế giáo dục không chính quy như: Trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, các lớp bổ túc văn hóa, dạy nghề tư nhân...
Bên cạnh thiết chế giáo dục không chính quy, còn có hệ thống giáo dục phi chính quy, gồm nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, một số cơ sở đào tạo như lớp học vẽ, học âm nhạc, học viết thư pháp, luyện ngoại ngữ… Hệ thống giáo dục không chính quy chủ yếu dành cho người lớn, gồm những người đã qua vùng đào tạo ban đầu hoặc không học đầy đủ các khóa học của giáo dục ban đầu. Còn hệ thống các cơ sở giáo dục phi chính quy phục vụ nhu cầu “cần gì học nấy” của các lứa tuổi.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, các quốc gia có chương trình xây dựng xã hội học tập đều thống nhất tổ chức học tập suốt đời theo 4 trụ cột giáo dục do UNESCO đề xuất: Học để biết; học để làm; học để thích ứng; học để chung sống. Một trong những nội dung lớn của xây dựng xã hội học tập là hình thành và phát triển tài nguyên giáo dục mở.
Tài nguyên này sẽ đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của công dân, phổ cập dịch vụ giáo dục và cá nhân hóa việc học tập của bất cứ ai có nhu cầu. Tài nguyên giáo dục mở là nền tảng của giáo dục mở. Thiếu tài nguyên giáo dục mở thì không thể đại chúng hóa học vấn cho đông đảo quần chúng, nhất là với giáo dục đại học.
Do đó, GS.TS Phạm Tất Dong khuyến nghị, xây dựng tài nguyên giáo dục mở phải theo hướng số hóa, đồng bộ với việc mở ra những khóa học trực tuyến ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mặt khác, mỗi trường THPT, cao đẳng, đại học phải có được kho học liệu đủ lớn, luôn cập nhật tri thức mới để phục vụ đắc lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực.
Yêu cầu cơ bản nhất đối với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở là “đáp ứng việc học tập suốt đời” của công dân học tập. Xa hơn, công dân học tập là những công dân tri thức khi nền kinh tế tri thức phát triển tới quy mô nhất định. Trong số công dân tri thức, nhiều người sẽ là công dân toàn cầu.
Tài nguyên giáo dục mở là sáng kiến có ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục. TS Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhìn nhận, việc chia sẻ và tự do sử dụng tài nguyên giáo dục sẽ giúp tạo ra công bằng trong giáo dục, cơ hội cho các trường tiếp cận tài nguyên chất lượng với chi phí thấp, rút ngắn thời gian chuẩn bị chương trình đào tạo, giáo trình học liệu, giảm chi phí chung của cả xã hội.
Hiện có nhiều quốc gia và tổ chức lớn trên thế giới khuyến khích phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở. Tuy nhiên, TS Trương Tiến Tùng cho rằng, ở Việt Nam, việc phát triển tài nguyên này còn nhiều bất cập, vì vậy cần có giải pháp để thúc đẩy, phát triển. “Cần chính sách phù hợp, đưa ra tiêu chuẩn cụ thể cho tài nguyên giáo dục mở, xây dựng tài nguyên giáo dục mở cấp quốc gia với khả năng kết nối, chia sẻ, đánh giá sẽ là một trong những giải pháp có thể đạt được kết quả mong muốn”, TS Trương Tiến Tùng nêu vấn đề.
Còn theo GS.TS Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên, để triển khai xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Cần có quy định về xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở; lựa chọn, phát triển tài nguyên giáo dục mở và giải pháp công nghệ phù hợp; đăng ký giấy phép về sở hữu trí tuệ, công tác đào tạo và truyền thông.
“Khai thác được tri thức của nhân loại, cộng đồng thông qua khai thác tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp chúng ta “đứng trên vai những người khổng lồ” hướng tới mục tiêu học tập đa dạng của xã hội, tiến tới xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”, GS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh.
Làm thế nào để có giải pháp chính sách nhằm ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở, vừa phù hợp với xu thế không thể đảo ngược về ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở, khoa học mở của thế giới, đồng thời phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam trong những năm tới?
TS Lê Trung Nghĩa - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, đây là câu hỏi cần thảo luận rộng rãi để đi tới thống nhất. Điều đáng lo ngại là, công nghệ mở hầu như không/chưa hoặc ít được sử dụng trong cơ quan Nhà nước và ngành Giáo dục.
Ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam là việc không dễ, nếu không nói rất khó, TS Lê Trung Nghĩa nhấn mạnh, cần có quyết tâm chính trị ở mức càng cao càng tốt. Thực trạng thời gian qua cho thấy, văn hóa người Việt Nam gắn với các tài nguyên hữu hình, trái ngược với nguyên lý cộng lực để phát triển, khi mà nguyên lý này dựa vào việc chia sẻ “mở” các tài nguyên “vô hình”.
Một thực tế khác, từ trước tới nay, ở khu vực giáo dục và Nhà nước hầu như không có thói quen sử dụng các thành phần của công nghệ mở trong hoạt động thường ngày. Điều đó có lẽ sẽ làm khó thêm cho việc ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam. Do đó, TS Lê Trung Nghĩa cho rằng, việc xây dựng chính sách tài nguyên giáo dục mở cần thiết và cấp bách, nhất là với giáo dục đại học. Qua đó, để giáo dục Việt Nam không đi chệch hướng hoặc ngược chiều với xu thế không thể đảo ngược của thế giới.
Theo đó, cần ưu tiên cao nhất trong xây dựng chính sách tài nguyên giáo dục mở. Ở thời điểm hiện tại, cần có chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia. “Hai từ khóa hàng đầu hiện nay là “Số và Mở” cần đi song hành với nhau. Để xây dựng chính sách cho tài nguyên giáo dục mở, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia, cấp bách phải xây dựng các khung năng lực số quốc gia”, ông Lê Trung Nghĩa khuyến nghị và cho rằng, nếu không có khung năng lực số, sẽ không có cách nào để đánh giá được tổ chức hay cá nhân thực sự có năng lực số, giúp hoàn thành các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, không thể áp dụng tư duy “nguồn đóng” để áp dụng cho thế giới “nguồn mở”, vì chúng không như nhau; thậm chí trong nhiều trường hợp ngược nhau.
Nhấn mạnh, để tài nguyên giáo dục mở được hình thành, cần đồng bộ với việc cấp phép mở, TS Lê Trung Nghĩa phân tích, nếu thiếu giấy phép mở thì khối học liệu được tạo nên sẽ có những rào cản pháp lý đối với một số người khi họ muốn truy cập. Các loại hình giấy phép mở cần được nghiên cứu dưới sự chủ trì của Chính phủ, ít nhất là Bộ GD&ĐT được Nhà nước ủy quyền để phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan.
Với những học liệu có giấy phép mở, người truy cập có thể sử dụng để giải quyết nhu cầu học tập của bản thân. Họ có thể chia sẻ, tùy biến thích nghi, pha trộn với học liệu khác để tạo ra học liệu mới. Công việc này có tác dụng làm tăng nhanh khối lượng tài nguyên giáo dục mở, đồng thời giúp việc chia sẻ tri thức rộng rãi trong cộng đồng học tập.
Bên cạnh đó, phát triển khoa học mở là yếu tố tăng nhanh những tri thức mới trong kho tàng các dữ liệu thuộc hệ tài nguyên giáo dục mở. Quá trình sáng tạo hoàn toàn dựa vào những tri thức chưa biết, chứ không phải những điều đã biết. Nghiên cứu khoa học chính là quá trình đưa các khái niệm đã có vào sự vận động để đạt được trình độ mới của khái niệm hoặc tạo ra khái niệm mới. Việc chia sẻ tri thức mới từ các công trình mới, phòng thí nghiệm cho cơ sở ứng dụng theo cơ chế mở sẽ đẩy nhanh sự phát triển của các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Cũng theo TS Lê Trung Nghĩa, số hóa tài nguyên giáo dục mở và nâng cao trình độ sử dụng các thiết bị số để truy cập tài nguyên giáo dục số cho người dân là 2 việc phải được phát triển song hành. Mặt khác, các lớp học, khóa học trực tuyến được mở ra tại cơ sở đại học sẽ tạo nên phương thức học tập thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi. Trong thế giới hiện đại, việc học tập tại nhà và nơi làm việc đang là xu thế được nhiều quốc gia quan tâm.
Theo TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, tài nguyên mở không chỉ là quay video bài giảng rồi đưa lên mạng, cũng không đơn giản thay sách giáo khoa giấy bằng tài nguyên điện tử, mà là thay đổi mô hình dạy - học truyền thống. Cũng cần thay đổi nhận thức, tư duy về bản quyền với nguồn tài nguyên mở và “mở” hơn các quy định quản lý còn cứng nhắc theo mô hình truyền thống hiện nay. Qua đó, mở đường cho phong trào tài nguyên giáo dục mở phát triển.