Giáo dục

Phía sau giấc mơ du học: Câu chuyện không ai muốn kể

Mai Phương 04/05/2025 20:49

Trải nghiệm nền giáo dục, văn hóa hiện đại, đắm chìm trong môi trường quốc tế… là những điều nhiều người nghĩ về cuộc sống du học. Thế nhưng, thực tế không phải lúc nào cũng như như tưởng tượng.

Theo thống kê vào cuối năm 2024, hiện có hơn 250.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, con số này vẫn tiếp tục tăng đều qua từng năm. Trong đó, riêng nhóm đi theo diện tự túc tăng khoảng 10.000 người mỗi năm.

Số lượng lớn du học sinh phản ánh nhu cầu và xu hướng hội nhập mạnh mẽ của giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau những ước mơ du học ấy là không ít câu chuyện mà người trong cuộc thường chọn cách giấu đi: sốc văn hóa, cô đơn, áp lực tài chính... Tất cả có thể khiến hành trình du học trở thành một phép thử đầy khắc nghiệt.

Chuyến đi xa nhà đầu tiên: Nỗi nhớ và sự cô đơn

Không ít du học sinh cho biết, cú sốc đầu tiên họ phải đối mặt khi đặt chân tới một đất nước xa lạ chính là cảm giác trống trải khi thiếu vắng sự quan tâm, kết nối từ gia đình.

Thùy Linh (21 tuổi), du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, chia sẻ: "Ngày đầu đến Thượng Hải, mình nhìn dòng người vội vã mà nhận ra: mình đang ở một nơi xa lạ không ai chờ đón, không ai quen biết. Cảm giác lúc đó khiến mình gần như bật khóc".

Từng sống trong sự chăm sóc của bố mẹ, khi du học, Linh buộc phải tự xoay xở mọi việc - từ ăn uống, đi lại đến giải quyết giấy tờ hành chính bằng tiếng Trung. Những cuộc gọi về nhà lúc nửa đêm chỉ để nghe mẹ nói "ráng lên con" trở thành liều thuốc tinh thần trong những ngày đơn độc nơi xứ người.

screenshot-2025-05-04-140432.png
Trung Phong (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm du học sinh Việt tại Đức (Ảnh: NVCC).

Trung Phong - du học sinh tại Đức - cũng cũng chật vật vượt qua những ngày đầu bơ vơ nơi đất khách. "Mình sang Đức cách đây hơn một năm. Thời gian đầu, thời tiết lạnh, tiếng không rành, bạn bè chưa có, mình gần như chỉ quanh quẩn trong phòng.

Có hôm đi học về, mở cửa ra thấy căn phòng trống trơn, tự nhiên thấy cô đơn kinh khủng. Cảm giác lạc lõng là thứ không ai dạy mình cách vượt qua", Phong kể.

Cú sốc văn hóa để đời

Sốc văn hóa là trạng thái bất an khi được đặt vào một môi trường văn hóa khác với môi trường văn hóa quen thuộc của mình. Đây chính là trở ngại lớn mà mọi du học sinh phải vượt qua khi đặt chân đến đất nước mà họ du học. Nếu không vượt qua được, toàn bộ quá trình học sau đó sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Thùy Linh từng nghĩ rằng mình sẽ không gặp quá nhiều khó khăn khi du học tại Trung Quốc vì "cùng là châu Á, có phần văn hóa tương đồng". Nhưng thực tế lại khác xa.

"Mình từng tự tin vào vốn tiếng Trung của mình, nhưng sang đây mới thấy tiếng phổ thông họ nói rất nhanh, chưa kể nhiều người dùng tiếng địa phương. Có lần đi chợ mua rau, mình hỏi giá ba lần vẫn không hiểu, cuối cùng đành từ bỏ", Linh kể.

Không chỉ vậy, Linh còn bỡ ngỡ khi không thể thanh toán bằng tiền mặt. "Có lần đến siêu thị nhỏ, chị bán hàng chỉ tay vào mã QR, nói gì đó rất nhanh, mà mình thì không hiểu, cũng không có ứng dụng để quét. Đứng ngẩn ra, cảm giác lúc đó đúng là… sốc".

Việc thanh toán bằng mã QR qua Alipay hay WeChat Pay là chuyện thường ngày ở Trung Quốc - đến mức nếu không có điện thoại kết nối Internet hoặc tài khoản ví điện tử, bạn gần như "bất lực" khi mua sắm. Thời gian đầu, Linh phải nhờ bạn bè thanh toán hộ hoặc chỉ dám mua đồ ở những chỗ chắc chắn nhận tiền mặt.

screenshot-2025-05-04-140440.png
Mì gói trở thành người bạn đồng hành bất đắc dĩ của không ít du học sinh Việt do khác biệt trong ẩm thực và văn hóa (Ảnh: NVCC).

Còn Trung Phong cho biết: "Người Đức rất thẳng thắn, rõ ràng, và không có thói quen xã giao kiểu "dĩ hòa vi quý" như người Việt. Giáo sư từng thẳng thừng phê bình bài thuyết trình của mình trước lớp khiến mình vừa ngượng vừa chạnh lòng, nghĩ thầy không thích mình.

Nhưng sau đó, thầy vẫn vui vẻ chỉ cách sửa bài rất chi tiết. Khi ấy mình mới hiểu: họ nói thẳng không phải để hạ thấp mình, mà vì họ thật sự muốn mình tốt hơn".

Áp lực học tập - tài chính: Không dễ để vừa học vừa làm

Du học sinh thường được ngưỡng mộ bởi sự độc lập và chủ động - vừa học tập nơi đất khách, vừa tự lo tài chính bằng công việc làm thêm. Nhưng phía sau hình ảnh đó là những ngày thiếu ngủ, những ca làm đêm, và áp lực đè nặng giữa hai chữ "tự lo". Không phải ai cũng đủ sức cân bằng cả hai.

"Chương trình học nặng và yêu cầu cao. Có những tuần mình học cả ngày, về đến nhà là lăn ra ngủ, không còn sức đâu đi làm thêm", Phong nói. Dù Đức là quốc gia cho phép sinh viên quốc tế đi làm, nhưng quy định về số giờ làm thêm mỗi tuần rất chặt chẽ, và mức sống tại đây lại không hề rẻ.

"Có lúc mình phải lựa chọn: hoặc học kỹ để đảm bảo kết quả, hoặc đi làm để có tiền trang trải sinh hoạt. Nhưng làm nhiều quá thì học đuối, mà không làm thì tiền tiết kiệm cứ vơi dần", Phong trải lòng. Anh từng đi làm tại nhà hàng, lương khá ổn nhưng đổi lại là những ca đêm kéo dài đến 1-2h sáng, hôm sau vẫn phải đến lớp đúng giờ.

screenshot-2025-05-04-140450.png
Thùy Linh ( thứ tư từ phải sang) cùng lớp đại học tham gia hoạt động ngoại khóa (Ảnh: NVCC).

Với Thùy Linh, dù chi phí sinh hoạt ở Trung Quốc không cao như ở châu Âu, nhưng cô vẫn gặp nhiều áp lực tài chính. "Mình đi học bằng học bổng, nhưng vẫn phải tự lo tiền ăn ở, đi lại.

Có lần mình bị ốm phải vào viện, chi phí cao bất ngờ vì chưa kịp mua bảo hiểm. Cũng có lúc trường thu thêm một số khoản phí mình không lường trước được - khi đó mới cảm thấy thực sự bất lực", Linh nhớ lại.

Có lần, Linh bị lừa khi xin việc nhập liệu online qua một hội nhóm du học sinh. "Họ yêu cầu đặt cọc để nhận việc, hứa hoàn tiền sau ca làm đầu tiên. Thấy nhiều người bình luận đã làm, mình cũng tin". Sau khi chuyển khoản, bên tuyển dụng "mất hút". Số tiền không quá lớn, nhưng đủ khiến một sinh viên sống tiết kiệm như Linh chao đảo.

"Cú lừa đó không khiến mình trắng tay, nhưng làm mình mất niềm tin và cảnh giác hơn rất nhiều. Sau này, mình chỉ nhận việc qua người quen giới thiệu. Du học đã nhiều rủi ro, không nên đánh cược với những lời hứa trên mạng", Linh chia sẻ.

Đổi lại gì sau những khó khăn?

Dù từng có lúc mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi, nhưng cả Linh và Phong đều chọn cách đứng dậy và bước tiếp. Với họ, những khó khăn nơi xứ người không chỉ là thử thách, mà còn là cơ hội để học cách trưởng thành.

Trên mạng xã hội, người ta thường chỉ chia sẻ những chuyến du lịch cuối tuần, những khoảnh khắc rạng rỡ bên bạn bè hay bảng điểm đầy tự hào. Ít ai đăng trạng thái về một buổi tối tủi thân vì nhớ nhà, hay cảm giác tuyệt vọng khi tiền trong tài khoản gần cạn mà chưa biết kiếm đâu ra. Càng sống xa nhà, Linh và Phong càng hiểu rằng, sau mỗi bức ảnh lung linh là một câu chuyện mà không phải ai cũng sẵn sàng kể.

Linh học được cách tiết kiệm, lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng và không ngại hỏi han những anh chị đi trước. Cô cũng bắt đầu tìm kiếm những công việc nhỏ từ các mối quan hệ quen biết thay vì mạo hiểm qua các hội nhóm online. "Bây giờ mình có thể tự lo mọi thứ, còn giúp đỡ thêm vài bạn mới sang", Linh cười, tự tin hơn nhiều so với cô sinh viên bỡ ngỡ ngày nào.

screenshot-2025-05-04-140458.png
Căn bếp nơi Trung Phong từng làm thêm - công việc giúp anh trang trải chi phí sinh hoạt khi du học tại Đức (Ảnh: NVCC).

Phong chọn cách chia nhỏ mọi việc và không ôm đồm. "Mình học cách nói "không" với những ca làm quá sức. Cũng bắt đầu sắp xếp thời gian rõ ràng để không bị học hành đè bẹp", Phong chia sẻ.

Anh cũng tham gia một số hội nhóm hỗ trợ sinh viên Việt ở Đức, vừa để kết nối, vừa tìm được những lời khuyên hữu ích từ người đi trước. "Dần dần, mình thấy ổn hơn. Ít nhất là không còn cảm giác đơn độc như lúc mới đến", anh trải lòng.

Không dễ để sống và học ở một đất nước xa lạ, nhưng chính nhờ vậy mà họ dần rèn cho mình sự chủ động, kiên cường và khả năng thích nghi - những hành trang quý giá không có trong giáo trình, nhưng có thể theo họ suốt đời.

"Nếu chỉ ở trong vùng an toàn, mình sẽ không bao giờ biết mình có thể đi xa đến đâu. Du học cho mình cơ hội vấp ngã, và cả cơ hội đứng dậy. Thế là đáng để cố gắng rồi," Phong khẳng định.

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/phia-sau-giac-mo-du-hoc-cau-chuyen-khong-ai-muon-ke-20250429225939496.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/phia-sau-giac-mo-du-hoc-cau-chuyen-khong-ai-muon-ke-20250429225939496.htm
Bài liên quan
Du học sinh Việt Nam có nên cân nhắc lại kế hoạch du học Mỹ?
Khi chính quyền Mỹ bất ngờ thu hồi visa du học mà không minh bạch lý do, nhiều du học sinh – đặc biệt là đến từ châu Á – đang rơi vào trạng thái hoang mang. Liệu có nên tiếp tục hành trình đến "miền đất hứa"? Hãy cùng nhìn nhận rõ hơn những thay đổi gần đây qua góc nhìn của một chuyên gia tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau giấc mơ du học: Câu chuyện không ai muốn kể