Giáo dục

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 Ban soạn thảo, tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo

05/07/2024 12:38

Sáng 5/7, Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 2 Ban soạn thảo, tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Phó Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp. Cùng dự các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của Bộ GD&ĐT; đại diện một số bộ ngành, cơ sở giáo dục đại học và các chuyên gia.

Nghiêm túc, khẩn trương biên soạn Luật Nhà giáo

Báo cáo tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục cho biết: Từ năm 2018 đến 2021, Bộ GD&ĐT đã tiến hành triển khai các nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn; rà soát hệ thống pháp luật hiện hành; tổ chức các khảo sát trong nước và quốc tế; huy động đội ngũ chuyên gia trong, ngoài ngành phục vụ đề xuất xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 8/6/2024, Quốc hội có Nghị quyết số 129/2024/QH15, chính thức bổ sung Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

Ngày 26/6/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 586/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Trong đó, thời hạn trình Chính phủ Luật Nhà giáo vào tháng 8/2024; thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2024.

luat nha giao3.jpg
Phiên họp toàn thể lần thứ 2 Ban soạn thảo, tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.

Ngày 13/6/2024, dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi.

Sau khi hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản tới các Bộ, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để xin ý kiến góp ý.

Trong đó, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức xin ý kiến rộng rãi đến tất cả nhà giáo trong thuộc thẩm quyền quản lý bằng các hình thức phù hợp.

Tính đến ngày 25/6/2024, Bộ GD&ĐT đã nhận được ý kiến góp ý của 59 tỉnh/thành phố; 14 Bộ, ngành và 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GD&ĐT với sự tham gia của hơn 800.000 nhà giáo. Trong tuần này, Bộ đã nhận thêm một số ý kiến của bộ, ngành, địa phương.

luat nha giao4.jpg
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục báo cáo tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo.

Bộ GD&ĐT cũng trực tiếp tổ chức/đặt hàng các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc hội thảo/tọa đàm tại để xin ý kiến chuyên sâu về các nội dung chính sách trong dự thảo Luật; tổng hợp các ý kiến góp ý, làm việc với các chuyên gia soạn thảo để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và các hồ sơ kèm theo.

Theo kế hoạch, tháng 8/2024 sẽ trình Chính phủ về dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo; hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tháng 9/2024 (chậm nhất là ngày 5/9/2024) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo; tiếp thu ý kiến thẩm tra của các Ủy ban, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo gửi Đại biểu Quốc hội.

Tháng 10/2024, chuẩn bị tài liệu hồ sơ Luật Nhà giáo phục vụ trình Quốc hội lần đầu cho ý kiến tại kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV.

Từ tháng 11-12/2024 sẽ tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Luật Nhà giáo.

luat nha giao.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại phiên họp

Một số nội dung nhiều ý kiến góp ý

Về cấu trúc dự thảo Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức cho biết, dự thảo 2 Luật Nhà giáo bản đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ từ 13/5/2024 để xin ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, đối tượng chịu tác động theo quy định, gồm 9 chương, 71 Điều.

Từ 13/5/2024 đến ngày 25/6/2024, sau khi đăng tải dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và tổ chức các tọa đàm/hội thảo xin ý kiến, Bộ GD&ĐT đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến góp ý và chỉnh lý dự thảo 2 Luật Nhà giáo (bản cập nhật đến ngày 1/7/2024), gồm 9 chương 72 Điều.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của 59 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, 14 Bộ, cơ quan; 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đối với khoảng 800.000 nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý (kèm theo) và đang tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, các đơn vị còn lại có ý kiến góp ý.

Tổng hợp chung, cơ bản các ý kiến góp ý thống nhất đối với cấu trúc dự thảo Luật Nhà giáo; đồng thời góp ý đối với từng Điều/khoản cụ thể trong dự thảo Luật Nhà giáo.

luat nha giao2.jpg
Nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp đánh giá cao công tác biên soạn Luật Nhà giáo kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc, cầu thị và khoa học.

Có một số nội dung quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo nhận được nhiều ý kiến góp ý. Trong đó có việc định danh nhà giáo, đề xuất cán bộ quản lý giáo dục và một số nhân viên trường học cũng được định danh là nhà giáo và hưởng các chính sách của nhà giáo.

Về quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, đa phần các ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải có quy định về chứng chỉ hành nghề; nhưng cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về sự cần thiết, mục đích, nguyên tắc, điều kiện, quy trình cấp.

Vai trò của cơ quan quản lý giáo dục cấp Phòng/Sở trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để đảm bảo tính chủ động của ngành Giáo dục trong quản lý nhà giáo và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tình trạng thừa/thiếu giáo viên với cấp học mầm non, phổ thông.

Các chính sách đối với nhà giáo, trong đó có chính sách nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với giáo viên mầm non, chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo để đảm bảo nhà giáo sống được bằng lương và yên tâm cống hiến với nghề.

Cùng thống nhất đây là một việc khó, phức tạp, tại phiên họp, các ý kiến được tập trung trao đổi, thảo luận liên quan đến mối quan hệ giữa Luật Nhà giáo với Luật Viên chức, Luật Giáo dục và một số luật khác có liên quan; quản lý nhà nước về nhà giáo; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; đạo đức nhà giáo.

Nội dung về một số chính sách đối với nhà giáo, các nhân sự khác trong ngành Giáo dục như cán bộ quản lý giáo dục, các vị trí việc làm chuyên ngành giáo dục, đào tạo nhưng không phải là giáo viên, giảng viên có phải là nhà giáo và có thuộc đối tượng quy định ở Luật này hay không... cũng được tập trung trao đổi.

Các ý kiến phát biểu đều hết sức tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện nhiều góc độ, quan điểm tiếp cận khác nhau; trong đó đánh giá cao công tác biên soạn Luật Nhà giáo kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc, cầu thị và khoa học.

Chia sẻ điều này khi tổng hợp các ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Ban soạn thảo, Bộ phận thường trực tổng hợp, tiếp thu ý kiến tối đa để tiếp tục hoàn thiện dự thảo; tinh thần hết sức khẩn trương, nghiêm túc để hoàn thiện hồ sơ, lưu ý các mốc thời gian, làm sao bảo đảm cả tiến độ và chất lượng dự thảo Luật.

Tại phiên họp, một số vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm, chia sẻ cũng được Thứ trưởng lưu ý, trao đổi lại.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phien-hop-toan-the-lan-thu-2-ban-soan-thao-to-bien-tap-du-an-luat-nha-giao-post690444.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phien-hop-toan-the-lan-thu-2-ban-soan-thao-to-bien-tap-du-an-luat-nha-giao-post690444.html
Bài liên quan
Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, dự án đường sắt tốc độ cao
Nội dung mở đầu của đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

(4) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phiên họp toàn thể lần thứ 2 Ban soạn thảo, tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo