Năm học mới 2025 ở Philippines sẽ bắt đầu sớm hơn 2 tháng, nhằm đối phó với những đợt nắng nóng nghiêm trọng.
Đây là phương án giúp nước này đối phó với biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, Philippines đã chứng kiến các đợt nắng nóng nghiêm trọng, khiến 6 triệu học sinh phải nghỉ học ít nhất 2 tuần. Nhiều em kiệt sức vì nóng, chảy máu mũi, thậm chí phải nhập viện vì lớp học không có điều hòa.
Đây là một trong những minh chứng rõ nét cho tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đến giáo dục và đời sống tại các quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Philippines.
Để ứng phó, Bộ Giáo dục Philippines sẽ bắt đầu năm học 2025 - 2026 sớm 2 tháng so với các năm trước. Với thay đổi này, học sinh sẽ kết thúc học kỳ trước khi nắng nóng đạt đỉnh vào tháng 5.
Giờ học cũng được rút ngắn xuống còn 4 tiếng mỗi ngày, tránh khung giờ trưa oi bức. Ngoài ra, các trường học được trang bị thêm quạt điện, trạm nước, thậm chí một số trường mới còn có mái phản xạ nhiệt để giảm hấp thụ nhiệt.
Các biện pháp trên được xem là nỗ lực thích ứng trong bối cảnh ngân sách hạn chế. Bộ Giáo dục Philippines chỉ có khoảng 10 tỷ peso dành cho các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đối phó với thiên tai. Trong khi đó, riêng Manila cần thêm mới 18 nghìn lớp học để đáp ứng nhu cầu học tập hiện tại.
Dù vậy, tình trạng quá tải vẫn diễn ra. Nhiều trường công lập tại thủ đô tổ chức lớp học theo ca, với sĩ số trung bình lên đến 50 học sinh trong phòng chỉ rộng 63m2. Việc thiếu không gian, trang thiết bị và nhân lực càng khiến những ngày hè nóng bức trở nên căng thẳng hơn.
Bà Jocelyn Andaya, Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục, thừa nhận rằng việc học trực tuyến - giải pháp áp dụng trong đợt nóng năm ngoái - chỉ tiếp cận được 3% học sinh. Vì thế, năm nay, các tài liệu in đã được chuẩn bị sẵn để học sinh có thể tiếp tục học tại nhà nếu trường buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, phụ huynh phản ánh rằng không có biện pháp nào hiệu quả bằng học trực tiếp.
Không chỉ thiếu thốn về vật chất, những đợt nắng nóng cũng ảnh hưởng rõ rệt đến tâm lý và sức khỏe của học sinh. Em Ella Azumi Araza, 11 tuổi, hiện chỉ học 4 ngày một tuần do thiếu lớp học. Vào thứ Sáu, em học trong căn phòng nhỏ, nơi 3 chiếc quạt hoạt động hết công suất cũng không thể xua bớt cái nóng. Mẹ của Ella,
Cindella Manabat, chia sẻ: “Tôi luôn lo lắng khi con ở trường. Dù ở nhà cũng nóng, nhưng ít nhất tôi có thể để mắt tới con”.
Tình trạng này lặp lại ở nhiều nơi khác trong Manila. Tại Trường THPT Tổng thống Corazon C. Aquino, học sinh sử dụng quạt mini làm mát trong khi làm bài kiểm tra. 2 trong số 4 quạt trần bị hỏng và 2 chiếc còn lại không đủ đáp ứng nhu cầu của 40 học sinh.
Thầy giáo Rizzadel Manzano cho biết: “Thật khó để dạy trong điều kiện như thế này. Việc giữ cho học sinh có động lực và tập trung thực sự là một thách thức”.
Trong khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống học đường, câu chuyện ở Philippines không chỉ là bài học thích ứng, mà còn là lời cảnh báo về những thách thức to lớn mà giáo dục toàn cầu sẽ phải đối mặt trong tương lai gần.
Trong cái nóng gay gắt giữa mùa Hè ở thủ đô Manila, cô giáo mầm non Lolita Akim vật lộn tìm cách giữ sự chú ý của những học sinh nhỏ tuổi. Với 5 chiếc quạt cây hoạt động hết công suất và ba chiếc khác luôn sẵn sàng, cô cố gắng làm mát không gian lớp học - nơi nhiệt độ cao có thể đe dọa sức khỏe và sự tập trung của học sinh.