Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng bắt tay thực hiện công việc, phải xác định được cơ chế làm việc của vùng để mang lại kết quả và có hiệu quả nhất. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông lập cơ sở dữ liệu của vùng để trao đổi, chia sẻ thông tin và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong vùng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tập trung tái cấu trúc để tạo sự kết nối liên thông hỗ trợ lẫn nhau, phát huy lợi thế của nhau và giảm vấn đề xung đột. Phó Thủ tướng kêu gọi việc xây dựng các quyết định về quy hoạch vùng; xác định lợi thế, sản phẩm của các địa phương trong vùng và tiểu vùng. Quy hoạch về kết nối giao thông vận tải hết sức quan trọng, ông đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT cần xác định quy hoạch định hình đến sự phát triển vùng. Trong đó, quy hoạch giao thông vận tải định hướng cho sự phát triển các khu công nghiệp, các loại hình công nghiệp…
Bên cạnh đó, xem xét điều tiết của Nhà nước liên quan đến đầu tư và tăng trưởng để các lợi ích quốc gia được phân bổ một cách đúng đắn và công bằng. Việc đầu tư công trung hạn, các thủ tục hành chính còn nhiều vấn đề liên quan nên Phó Thủ tướng mong muốn Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính có một cơ chế chính sách cho vùng để việc thực hiện các công việc được thông suốt. Vì vậy, cần phải hình thành quỹ của vùng để thực hiện các công việc, dự án.
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước (chiếm 61,1%); là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.