Phòng chống đuối nước cho học sinh: Cái khó bó cái khôn

Đức Trí | 29/05/2022, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hàng năm các nhà trường đều tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước. Song do thiếu cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức thực hành nên giải pháp vẫn chỉ dừng lại ở lý thuyết.

Cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Tiến thẳng thắn bày tỏ: Dẫu làm tốt công tác phòng, chống đến mấy thì cơ bản vẫn chỉ là trên lý thuyết và chắc chắn không thể hiệu quả bằng học sinh được học và thực hành kỹ năng bơi lội dưới nước. Vì vậy, nhà trường đang cố gắng tìm kiếm giải pháp để học sinh được thực hành nhiều hơn...

Ảnh minh họa Internet.

Đến hè… lại lo

Tại Trường Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai), nhân lực để triển khai dạy bơi cho học sinh khá thuận lợi bởi giáo viên thể dục có chuyên môn chính bơi lội. Song nhiều năm nay “mong ước” phổ cập bơi và thực hành kỹ năng phòng chống đuối nước vẫn chỉ diễn ra trên lý thuyết do điều kiện cơ sở vật chất là “bài toán” chưa tìm ra lời giải.

Tại Trường Tiểu học và THCS Hầu Thào, năm ngoái, khu nghỉ dưỡng cách trường 5km đồng ý cho mượn bể bơi để dạy cho học sinh khi nghỉ hè. Tuy nhiên, do khoảng cách di chuyển xa, khung giờ được mượn chưa phù hợp nên cũng chỉ số lượng nhỏ học sinh tham gia. Năm nay không mượn được bể bơi, quanh vùng cũng không có nên việc dạy bơi cho học sinh vào mùa hè vẫn bỏ ngỏ kế hoạch.

Trao đổi về vấn đề thuê bể bơi lưu động lắp đặt tại trường, thầy Liễu Tiến Sơn cho biết: Trường có đủ diện tích mặt bằng để triển khai mô hình này. Nhưng cũng như nhiều trường học khác “khó vẫn bó khôn”, không có nguồn kinh phí, việc huy động phụ huynh đóng góp càng không thể; kêu gọi xã hội hóa cho một hoạt động quan trọng với học sinh nhưng không phải ai nhìn vào cũng thấy cần thiết.

Đặc biệt, các trường học ở vùng cao Sa Pa, nhiệt độ thấp, mùa hè nếu có lắp đặt được bể bơi lưu động vẫn cần nước ấm để giữ nhiệt cho người bơi. Đây là cản trở để việc phổ cập bơi, dạy kỹ năng chống đuối nước cho học sinh tại bể bơi thêm khó khăn. Phòng, chống đuối nước cho học sinh vùng cao vì thế vẫn chỉ là những nỗ lực trên lý thuyết.

Cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Tiến cũng khẳng định khó khăn của đa số các trường học, đặc biệt với các trường vùng nông thôn vẫn là thiếu cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức hoạt động thực tế.

“Không phải địa phương, trường học nào cũng sẵn bể bơi nhưng việc huy động xã hội hóa cho hoạt động giáo dục phòng, chống đuối nước không dễ dàng khi các tổ chức xã hội và cả phụ huynh đều chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng phòng, chống đuối nước…”, cô Thúy bày tỏ.

Theo TS giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công), phòng, chống đuối nước trong các trường học cần được đẩy mạnh, bên cạnh tuyên truyền, dạy kỹ năng trên lý thuyết cần đẩy mạnh thực hành. Cùng với đó, kiến thức, kỹ năng thoát hiểm, sinh tồn (theo đặc điểm vùng miền) cũng phải được trang bị. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực phòng chống đuối nước và dạy bơi, cứu đuối an toàn cho cán bộ, giáo viên cũng cần đẩy mạnh để nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên tuyền, giáo dục học sinh từ nhà trường...
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chong-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-cai-kho-bo-cai-khon-mCa1tIr7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chong-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-cai-kho-bo-cai-khon-mCa1tIr7R.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống đuối nước cho học sinh: Cái khó bó cái khôn