Phụ huynh gửi con lên chùa mong thay đổi tích cực

02/06/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước khi gửi con lên chùa, chị Thanh Tuyền phải làm công tác tư tưởng, khơi gợi những điều lợi lạc, vui vẻ để con hào hứng tham gia mà không cần ép buộc.

Nghe tin có khóa học tu mùa hè dành cho lứa tuổi học sinh, chị Nguyễn Yến (TP.HCM) liền thuyết phục con đi ngay. Hè năm nay, chị quyết định cho con gái Thủy Tiên (12 tuổi) theo học một khóa tu 7 ngày tại ngôi chùa gần nhà.

Chị Yến cho biết trước đây, khi gửi cho ông bà, con chỉ “dán” mắt vào điện thoại, xem tivi, lười vận động. Bên cạnh đó, ở độ tuổi tiền dậy thì, suy nghĩ và tính cách của con có nhiều thay đổi, nhiều lần, con cáu gắt và chống đối bố mẹ. Khi cho con tham gia khóa tu, bên cạnh trải nghiệm các hoạt động vui chơi, chị hy vọng con có thể thay đổi một phần tính cách.

“Bạn tôi từng cho con đi tu học kể việc dự khóa tu giúp con được trải nghiệm, sống có nề nếp hơn. Hoàn thành khóa học, con được như vậy thì mừng quá", chị Yến nói.

Với mong muốn tìm cho con môi trường vừa học tập, vừa trải nghiệm các hoạt động tập thể, chị Thanh Tuyền (TP.HCM) cũng ráo riết tìm khóa tu gần nhà cho hai con. Được biết, hè năm ngoái, chị cũng cho con tham gia một khóa tu và nhận thấy con có nhiều thay đổi tích cực.

Cho con tìm hiểu trước khi vào chùa

Trước khi đăng ký, chị Yến và chị Tuyền đều tìm hiểu rất kỹ về các hoạt động, chương trình trong khóa tu. Ngoài ra, hai gia đình còn giúp con chuẩn bị tâm lý, phân tích để con hiểu nếp sống nơi thiền tịnh trước khi cho con tu học.

Khi tìm hiểu khóa tu, chị Yến cho biết ngoài việc được vui chơi, các con phải tuân thủ chặt chẽ giờ sinh hoạt như thức dậy lúc 4h30 và đi ngủ lúc 21h, không sử dụng điện thoại, máy tính bảng, không làm việc khác trong giờ sinh hoạt theo thời khóa.

khoa tu mua he anh 1
Trước khi gửi con lên chùa, nhiều bậc phụ huynh làm công tác tư tưởng cho con. Ảnh minh họa: C.P.H.

Hiểu tính cách con, trước khi đăng ký, chị thường cho con xem những video về các hoạt động vui chơi, giảng dạy của khóa tu. Chị cũng phân tích để con hiểu được nếp sinh hoạt trong chùa.

Ban đầu, con không chịu đi vì phải xa nhà mấy ngày. Sau khi bố mẹ, ông bà khuyên nhủ, lại thấy đông bạn bè, con cũng đồng ý. Cuối tháng 6 này, Thủy Tiên sẽ tham gia khóa tu kéo dài 7 ngày.

Động viên con tham gia nhưng bản thân chị Nguyễn Yến không tránh khỏi lo lắng.

“Từ bé đến lớn, con chưa bao giờ xa gia đình lâu đến thế. Khi tu học, con sẽ phải tự lo cho bản thân chứ không được như ở nhà. Bố mẹ chỉ có thể theo dõi hoạt động của con qua Fanpage của khóa tu. Tuy nhiên, nhiều người bảo nhà chùa rất chu đáo nên tôi cũng an tâm cho con theo học", chị Yến chia sẻ.

Trong khi đó, chị Thanh Tuyền tìm hiểu khóa tu cho con sau khi thấy bạn bè gửi con vào chùa dịp hè. Năm ngoái, chị đã đăng ký cho hai con (một bé 12 tuổi, bé còn lại 10 tuổi) tham gia tại nơi cách nhà đến 100 km. Năm nay, hai vợ chồng thống nhất đăng ký khóa gần nhà, vừa để gần con, vừa thuận tiện việc đưa đón.

Chị Tuyền nói thêm trước đây, khi gửi con lên chùa, chị cũng phải làm công tác tư tưởng, khơi gợi những điều lợi lạc, vui vẻ để con có thể hào hứng tham gia mà không cần ép buộc. Chị cũng cho con tìm hiểu trước các hoạt động trong khóa tu, giúp con có thể bắt kịp, hòa nhập với mọi người.

khoa tu mua he anh 2
Chị Tuyền cho hai con cùng nhau tham gia khóa tu mùa hè vào năm 2022. Ảnh: NVCC.

Bản thân chị từng đắn đo khi đăng ký cho bé thứ hai vì con còn nhỏ tuổi, nhưng vì có anh trai đi cùng, chị yên tâm hơn. Tuy nhiên, khi vào chùa, các bé phải phân chia khu sinh hoạt nam - nữ, chị khá lo lắng.

“Mình lo không biết con sinh hoạt ra sao, có thích nghi được với các hoạt động hay không. Nhà lại cách chùa rất xa, gia đình khó khăn trong việc theo dõi. Trước đấy, mình cũng lên chùa gặp hỏi các sư thầy, sau đó mới yên tâm đăng ký”, chị Tuyền kể lại.

Gia đình đã làm công tác tư tưởng song chị kể có lần tối đến, con gái bật khóc vì nhớ mẹ dù trước đó, con vẫn vui chơi, hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, sau khi trở về từ khóa tu năm ngoái, chị yên tâm khi con khoe được chơi trò chơi, ăn uống cùng các bạn và được nghe thầy giảng. Ngoài ra, con cũng biết để ý cảm xúc người xung quanh hơn, thậm chí còn tự giác làm việc, phụ mẹ việc nhà.

“Nhiều gia đình cho con tham gia từ nhỏ, đến khi lớn lên, các con quay trở lại làm tình nguyện viên, hỗ trợ các em nhỏ hơn. Tôi vào chùa và chứng kiến nhiều bé rất lanh lợi, hoạt bát”, chị Tuyền nói.

Không quá đặt nặng con phải thay đổi

Với mục đích ban đầu tìm một nơi để con được vận động, hạn chế thời gian xem tivi, nằm ngủ, chị Tuyền không đặt nặng con phải có sự thay đổi về tính cách, lối sống.

Bà mẹ hai con chỉ hy vọng con được trải nghiệm với cuộc sống khi không có bố mẹ, quen và giao lưu với nhiều bạn mới. Ngoài ra, chị hy vọng con hiểu hơn về lòng hiếu thảo, sống có nề nếp, tự lo được cho bản thân, tiếp thu những kiến thức mà gia đình không thể truyền đạt được hết.

Hè năm nay, thấy được sự háo hức, tự nguyện tham gia của 2 con, chị cố gắng tìm một khóa học để con được trải nghiệm thêm lần nữa.

Với chị Nguyễn Yến, hiểu được đây là độ tuổi có nhiều sự nổi loạn trong suy nghĩ, lối sống, chị không có tư tưởng giao phó hẳn cho nhà chùa. Trước khi đăng ký, chị cũng trao đổi với ban tổ chức về tính cách của bé để có sự phối hợp tốt nhất trong việc quản lý, giáo dục con.

Người mẹ cũng hy vọng khi tham gia khóa tu, con sẽ có thêm nhiều trải nghiệm, được vui chơi, hòa nhập với mọi lứa tuổi. Con sẽ hiểu và cảm nhận những điều khi không bố mẹ ở cạnh, điều này giúp con có tính tự giác, không ỷ lại.

Bài liên quan
5 điều bổ ích du học sinh không nên bỏ lỡ trong kỳ nghỉ hè
Đối với sinh viên quốc tế, sau thời gian học tập mệt mỏi họ sẽ bước vào kỳ nghỉ hè của riêng mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ huynh gửi con lên chùa mong thay đổi tích cực