Phủ sóng công nghệ, cần đầu tư xứng đáng

Hà Nguyên | 11/05/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quá trình triển khai chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đòi hỏi giải pháp mang tính chiến lược dài hạn và lộ trình cụ thể...

“Quan trọng hơn cả là cần tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái các công ty đầu tư về công nghệ giáo dục (EdTech). Bởi tập trung vào sử dụng công nghệ trong giáo dục như AI, ML, Blockchain… sẽ mang lại thành công lớn trong việc giải quyết những thiếu sót đang ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục hiện nay ở Việt Nam.

Chính vì thế cần khuyến khích các công ty khởi nghiệp EdTech để tạo ra các giải pháp sáng tạo không chỉ hỗ trợ cho tình trạng “bình thường mới” - học tập ở nhà thời kỳ hậu Covid, mà còn thúc đẩy khả năng tiếp cận và cung cấp chất lượng giáo dục bình đẳng cho tất cả đối tượng, không phân biệt giàu nghèo hay vị trí địa lý”, GS.TS Trần Văn Nam gợi ý.

Đề xuất phương hướng, lộ trình chuyển đổi số tại Trường THPT Nguyễn Trãi, thầy Phan Quốc Duy cho rằng, để nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, ngoài kinh phí từ nguồn chi tiêu nội bộ, cần ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia. Trong đó hướng tới mục tiêu đồng bộ điều kiện hạ tầng mạng, thiết bị CNTT phục vụ dạy học; quan tâm đến việc dạy học trực tuyến. Đầu tư một phòng thí nghiệm – thực hành STEM theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), kinh phí ít nhất khoảng 200 triệu.

Cùng với sử dụng kho dữ liệu chung đã được ngành Giáo dục thẩm định, Trường THPT Nguyễn Trãi đã xây dựng kho dữ liệu là video các bài học, thí nghiệm để học sinh trong trường học tập, tham khảo như thư viện học liệu của Bộ GD&ĐT, kho thư viện bài giảng điện tử, E-learning...

“Mong muốn của nhà trường là nâng cấp hạ tầng mạng (đường truyền) và website của trường, qua đó có thể tải lên các bài giảng, tài liệu phục vụ học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Học sinh, cựu học sinh của trường có nhu cầu trong bất kỳ hoạt động quản lý nào, như đăng ký mượn học bạ, chứng nhận điểm, liên lạc cựu học sinh, nộp đơn xin phép, đơn xin chuyển lớp… có thể gửi yêu cầu theo mẫu trên trang web, ứng dụng mà không cần đến trực tiếp”, thầy Phan Quốc Duy cho biết.

Ở khía cạnh khác, bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Khê (Đà Nẵng), cho rằng, hiện website của các trường học chưa có sự liên kết. Vì vậy, rất khó để các trường có thể sử dụng, khai thác tài nguyên của nhau nếu không cùng sử dụng chung một phần mềm. Hầu hết, nhà trường sử dụng phần mềm miễn phí nên sự hạn chế về dung lượng.

“Phòng GD&ĐT Thanh Khê đang xây dựng kế hoạch mua phần mềm bản quyền để các trường học trên địa bàn có sự thống nhất khi xây dựng kho học liệu số. Với cách làm này, giáo viên có thể cập nhật, chỉnh sửa nội dung bài giảng qua từng năm học theo yêu cầu thực tế, như bổ sung nội dung mới, lược bỏ các nội dung được tinh giản… Các trường cùng bậc học có thể sử dụng hoặc tham khảo bài giảng điện tử của nhau trên website. Hơn thế, đây sẽ là nền tảng để phòng xây dựng ngân hàng đề dùng chung trong toàn quận”, bà Lê Thị Hoàng Chinh thông tin.

Phủ sóng công nghệ, cần đầu tư xứng đáng  ảnh 2

Giờ học STEM của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng).

Kỹ năng số trong môi trường giáo dục số

Theo thầy Phan Hoàng Bách, GV Trường THPT Đakrông (Quảng Trị), chuyển đổi số buộc giáo viên vừa là người cung cấp tri thức, vừa phải đóng vai trò định hướng cho quá trình tự nhận thức của học sinh. Thay vì giáo viên đảm nhận các khâu của quá trình giáo dục thì có thể chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh thông qua phương tiện hiện đại, hướng dẫn các em khai thác tư liệu từ nơi khác.

Để làm được điều này, ngoài trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị giúp giáo viên tiếp cận đổi mới thì bản thân mỗi người phải nỗ lực học hỏi không ngừng, nắm vững kiến thức cơ bản về công cuộc chuyển đổi số. Nếu giáo viên không bắt kịp sự phát triển đó sẽ khó định hướng hướng đi, cách làm; học sinh thiếu sự hướng dẫn trong khai thác và tiếp cận thông tin, thậm chí là tiếp cận sai.

Cần đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực của nhà trường trong thực hiện chuyển đổi số, bao gồm cả kiến thức, kỹ năng là đề xuất của thầy Phan Quốc Duy trong quá trình chuyển đổi số.

“Trước hết là kỹ năng sử dụng CNTT, an toàn thông tin mạng, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy - học. Vì vậy, cần chú trọng bồi dưỡng năng lực số cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và người học”, thầy Duy nêu giải pháp.

Khi đã có kỹ năng số, nhà trường mới có thể thực hiện số hóa triệt để, sử dụng văn bản điện tử, sổ sách, học bạ, sổ điểm điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng. Hồ sơ, giáo án của giáo viên có thể lên nền tảng đám mây. Từ đó, cán bộ quản lý được cấp quyền sẽ kiểm tra thường xuyên và nhanh chóng.

Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thời gian qua có nhiều giải pháp để xây dựng nền tảng công dân số cho học sinh. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà trường bước đầu trang bị cho học sinh kỹ năng CNTT và an toàn thông tin số. Học sinh được hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm nguồn tài liệu, tham gia trao đổi học tập, kiểm tra đánh giá qua các dịch vụ online trên máy tính cá nhân và điện thoại thông minh. Ngoài ra, nhà trường tổ chức các diễn đàn, tọa đàm nhằm giáo dục cho HS về văn hóa – đạo đức mạng, an ninh mạng và trách nhiệm công dân.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phu-song-cong-nghe-can-dau-tu-xung-dang-post637048.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phu-song-cong-nghe-can-dau-tu-xung-dang-post637048.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phủ sóng công nghệ, cần đầu tư xứng đáng