Giới nghiên cứu đề xuất giải pháp công nghệ phỏng dựng nhằm hệ thống hóa di sản trở thành “bảo tàng sống” về kinh đô đầu tiên của nước ta.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Hoa Lư, giới nghiên cứu đề xuất giải pháp công nghệ phỏng dựng nhằm hệ thống hóa di sản trở thành “bảo tàng sống” về kinh đô đầu tiên của nước ta.
Đồ án “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, nhằm nhận diện giá trị của cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành nhà nước Đại Cồ Việt - đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ”, nhằm tập hợp các nghiên cứu khoa học liên ngành về kinh thành Hoa Lư. Đồng thời cung cấp thêm tư liệu mới, cơ sở khoa học quan trọng trong việc phỏng dựng, phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung.
Theo ông Đoàn Minh Huấn – Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm (968 - 1010), với 6 đời vua của 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý. Kinh đô Hoa Lư là vùng đất có vị trí chiến lược, gắn với quá trình hình thành và phát triển của nhà nước phong kiến đầu tiên ở nước ta, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc - mở ra thời kỳ độc lập, đặt tiền đề cơ bản cho công cuộc xây dựng đất nước, thống nhất quốc gia.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, mở ra thời kỳ văn minh Đại Việt. Hoa Lư không còn là cung điện của lầu son gác tía, nhưng đã để lại một di sản văn hóa vô giá, hình thành vị thế của cố đô trong tâm thức và tinh thần nhân dân.
Bởi vậy, Ninh Bình sẽ tập trung phục nguyên, phục dựng, phục hồi, bảo tồn, di sản hóa các kiến trúc, cảnh quan riêng có, giá trị văn hóa đặc sắc của cố đô Hoa Lư gắn với giáo dục truyền thống, bảo tồn di sản, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, cố đô Hoa Lư là nơi ghi dấu ấn phát tích của các triều đại phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, vì dấu tích kinh đô đã bị phá hủy từ lâu, không có nhiều ghi chép mô tả về diện mạo, quy mô, cấu trúc, hình thái kinh thành nên sẽ rất khó khăn trong quá trình phục dựng.
May mắn là hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư đang bảo quản, lưu giữ khoảng 1.000 hiện vật, trong đó có 5 bảo vật quốc gia quý giá: Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ; Hai “Long sàng” và một bộ Phủ Việt tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; bộ Phủ Việt đền thờ vua Lê Đại Hành.
“Nếu quyết tâm bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng cố đô Hoa Lư, trước hết cần phải có chiến lược đầu tư dự án khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tổng thể khu di tích cố đô Hoa Lư và tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản khoa học, tuân thủ nguyên tắc “vừa khai quật, vừa bảo tồn, vừa nghiên cứu so sánh giải mã” giá trị di sản.
Đồng thời cần có tư vấn chiến lược về nghiên cứu, quy hoạch bảo tồn và phát huy di sản kinh đô bằng giải pháp khoa học và công nghệ, tập trung tái tạo đô thị cổ trong không gian đô thị hiện đại”, PGS.TS Bùi Minh Trí nhấn mạnh.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Ninh Bình sẽ chủ động xây dựng, đề xuất nội dung phối hợp ở cả 2 phương diện phục dựng và phỏng dựng.
Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Ninh Bình cho rằng, việc chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản cố đô Hoa Lư hết sức cần thiết, là cầu nối đưa di tích, di sản đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Ông Long đề xuất một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện đại, ứng dụng phần mềm Module quản lý di tích; ứng dụng công nghệ Lidar, Round Radar để xác định vị trí khai quật khảo cổ học; ứng dụng công nghệ 3D, Hologram trong việc quảng bá.
Để tiến tới hoạt động thực tế, Ninh Bình cũng đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo đồ án “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, bao gồm khu vực kinh thành, Hoàng thành, khu vực đồn trú, phủ đệ, lăng mộ, đình đền chùa. Trong đó tập trung vào khu vực trung tâm cố đô Hoa Lư và phụ cận. Tổng diện tích trong ranh giới quy hoạch tỉ lệ 1:2.000 khoảng 4.500ha; quy hoạch tỉ lệ 1:500 khoảng 300ha.
PGS.TS Bùi Minh Trí đề xuất phương án, quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ. Trong đó có việc đầu tư dự án nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, xây dựng bảo tàng khảo cổ học tại chỗ nhằm đưa cố đô Hoa Lư trở thành một “bảo tàng sống” về kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Việt.
Bên cạnh đó, tập trung phỏng dựng quy mô, hình thái cấu trúc của kinh thành và không gian đô thị của kinh đô Hoa Lư. Phỏng dựng hình thái các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác trong các không gian kinh đô xưa bằng giải pháp công nghệ 3D dựa trên tư liệu khảo cổ, sử học và kết quả nghiên cứu so sánh.
Giới nghiên cứu cũng lưu ý Ninh Bình về công tác phục dựng, cần kết hợp giữa nguồn lực văn hóa truyền thống phục vụ đời sống văn hóa đương đại. Cần có sự hợp tác, đầu tư liên ngành; coi trọng yếu tố cộng đồng, bởi người dân chính là những chủ thể sống trong di sản và hưởng lợi từ di sản.
Năm 2014, di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư nằm trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Với tính chất quan trọng đó, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục nghiên cứu để phục dựng, phục nguyên, bảo tồn di sản cố đô Hoa Lư. Đồng thời xây dựng một công viên, trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời lớn nhất Việt Nam.