(GDTĐ) - Chiều 25/12 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học Công nghệ đã tổ chức lễ công bố 10 sự kiện Khoa học Công nghệ tiêu biểu năm 2023 do các Nhà báo theo dõi lĩnh vực Khoa học - Công nghệ bình chọn.
Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - PGS.TS Chu Hoàng Hà, đông đảo các nhà khoa học, đại diện các đơn vị được bình chọn trong sự kiện Khoa học - Công nghệ tiêu biểu năm 2023.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học - Công nghệ, Nhà báo Hà Hồng cho biết: 10 sự kiện Khoa học - Công nghệ tiêu biểu năm 2023 được bình chọn thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách; lĩnh vực khoa học tự nhiên; lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; lĩnh vực khoa học ứng dụng; lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học; lĩnh vực hợp tác quốc tế. Trong đó, Phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Theo đó, cuối tháng 11/2023, Viện nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa hoc - Xã hội Việt Nam) đã công bố “Nghiên cứu giải mã và phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ”.
Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, tòa chính điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long thời Lê Sơ, là chương nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, công phu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành.
Trong suốt hơn 3 năm (2020-2023), trên cơ sở các nguồn tư liệu tin cậy của khảo cổ học, đặc biệt là kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành đã giải mã và phục dựng 3D thành công hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.
Đây là tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng, kích thước lớn gồm 11 bậc, chia làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá chạm rồng.
Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son thếp màu đỏ rực rỡ. Kiến trúc này có quy mô lớn, thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và quyền lực của vương triều.
Kết quả nghiên cứu này đã đóng góp quan trọng và thiết thực trong việc quảng bá hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, giúp hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ và kỳ bí của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê Sơ trong Hoàng cung Thăng Long xưa, mang lại niềm tự hào về tài năng và trí sáng tạo của cha ông, góp phần làm sáng rõ và sâu sắc hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, đưa giá trị di sản đến gần hơn với công chúng, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa của Kinh đô Thăng Long, của Thủ đô Hà Nội - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng các giá trị văn hiến của đất nước.