Phương pháp dạy học hòa nhập

17/03/2024, 13:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại Trường Mẫu giáo Mayflower (Singapore), trẻ em bình thường và trẻ mất thính lực học chung một lớp.

Nhờ sự hỗ trợ từ nhà trường và giáo viên, trẻ có thể hòa nhập và gắn kết với nhau như thể không có sự khác biệt.

Bài học về sự tự tin và hòa nhập

Bên cạnh việc học ngôn ngữ ký hiệu, mọi người từ giáo viên, phụ huynh đến học sinh khiếm thính đều nhận được những bài học đầy bất ngờ. Trẻ em ở trường mẫu giáo bị mất thính lực mức độ từ trung bình đến nặng sẽ học và chơi cùng với các bạn bình thường khác.

Bài học được giảng dạy đồng thời bởi hai giáo viên. Trong đó, một người nói và một người ra hiệu. Trẻ khiếm thính sẽ được hỗ trợ bổ sung. Từ đó, trẻ sẽ học cách tiếp tục trò chuyện với người khác. Trong khi đó, các trẻ bình thường sẽ tiếp thu ngôn ngữ ký hiệu chỉ bằng cách học cùng lớp với các bạn khiếm thính.

Tại một lớp học của trường, trẻ xếp hàng, đưa tiền giả cho một “đầu bếp” đeo tạp dề và tìm chỗ ngồi để ăn. Tuy nhiên, trong lúc quá phấn khích, Thea Ow (8 tuổi) đã di chuyển quá nhanh, khiến những chiếc xúc xích đồ chơi rơi lạch cạch xuống bàn và sàn nhà.

Hai người bạn là Azza Darwisya Lee và Nur Alana Alisha Muhammad Asyraf lại cười khúc khích. “Bạn ấy đang làm bẩn sàn nhà”, Alana cười nói. Em vỗ nhẹ vào vai Thea và ra hiệu cho bạn nhặt đồ lên. Đối với người quan sát bình thường, họ gần như không thể biết được đâu là trẻ khiếm thính.

Trong một lớp học năm ngoái tại Trường Mẫu giáo Mayflower, 4 trong số 13 học sinh bị mất thính lực từ mức độ trung bình đến nặng và sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu Singapore để giao tiếp.

Tuy nhiên, đối với các bạn cùng lớp, sự khác biệt về màu da, độ dài tóc hay thậm chí cả chai nước họ mang theo... mới là điều nổi bật. “Tóc của chúng em không giống nhau. Em có mái tóc ngắn nên không thể buộc được”, Alana nói, chỉ vào kiểu tóc đuôi ngựa của Thea khi được hỏi liệu bạn có giống mình không.

Các bài học về hòa nhập và sự tự tin được truyền tải hàng ngày mà không cần giảng dạy một cách rõ ràng. Không chỉ trẻ em, mà cả phụ huynh, giáo viên và thậm chí cả những vị khách đến thăm trường mẫu giáo cũng đều nhận được bài học.

Sáng kiến này đã được khởi động trước khi trường mẫu giáo nằm trong Trường Tiểu học Mayflower bắt đầu hoạt động vào năm 2021. Vào tháng 11/2020, Bộ Giáo dục Singapore (MOE) đã thông báo rằng, trường mẫu giáo sẽ hỗ trợ trẻ em bị mất thính lực từ mức độ trung bình đến nặng từ năm 2022.

Khi lần đầu tiên biết tin này qua email từ MOE, phản ứng đầu tiên của người đứng đầu Trung tâm Melina Chen là phấn khích. Sau đó, bà bắt đầu lo lắng: “Ôi trời. Chúng ta sẽ giao tiếp với bọn trẻ như thế nào?”, bà Chen cho biết.

Chắc chắn, mô hình mà trường mẫu giáo này áp dụng không phải mới. Mayflower đã trở thành trường tiểu học được chỉ định dành cho học sinh khiếm thính kể từ năm 2018.

Các em tham gia lớp học cùng các bạn khiếm thính, được hỗ trợ bởi một giáo viên tận tâm dạy ký hiệu. Giáo viên là người truyền đạt các bài học cho học sinh bằng Ngôn ngữ ký hiệu Singapore.

Bà Chen cảm thấy yên tâm về điều này trong những chuyến thăm tiếp theo của đại diện Bộ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không ai trong nhóm của bà biết ngôn ngữ ký hiệu hoặc cách tương tác với trẻ khiếm thính, chứ đừng nói đến việc giảng dạy.

Trẻ khiếm thính vui vẻ, hòa đồng cùng bạn bè trong lớp học.
Trẻ khiếm thính vui vẻ, hòa đồng cùng bạn bè trong lớp học.

Trẻ bình thường cũng được hưởng lợi

Cùng với các giáo viên khác, bà Chen bắt đầu nghiên cứu cách thu hút sự chú ý của trẻ. Từ đó, khiến chúng tham gia vào các hoạt động và thậm chí là sắp xếp chỗ ngồi tốt nhất trong lớp phù hợp với tầm nhìn của giáo viên. “Chúng tôi có các nhóm khác nhau thuyết trình về những chủ đề khác nhau. Chúng tôi muốn chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đón các em”, bà Chen chia sẻ.

Tuy nhiên, nhà trường cần có giáo viên dạy ký hiệu tận tâm tham gia vào nhóm để thực sự khiến mọi thứ hoạt động. Giáo viên Bernadette Pung đã ở Trường Tiểu học Mayflower được 4 năm với vai trò này, và quyết định gắn bó với nơi đây vì thích làm việc với trẻ nhỏ.

Cô chia sẻ, mặc dù nhiều đồng nghiệp mới không biết bất kỳ ngôn ngữ ký hiệu nào, nhưng họ vẫn sẵn sàng học hỏi. Cô đã sắp xếp để một giáo viên từ Trường Tiểu học Mayflower đến trường mẫu giáo và nói về văn hóa của người khiếm thính. Giáo viên cũng chỉ cho các em một số dấu hiệu hàng ngày mà trẻ có thể sử dụng: Những từ như “nhà vệ sinh”, “thầy” và “vui vẻ”.

Việc điều chỉnh không gian lớp học và tài liệu học tập cũng đã được thực hiện. Các chữ cái trong bảng và hình ảnh khác nhau của lớp học được kèm theo ngôn ngữ ký hiệu tương đương. Mặc dù vậy, bà Chen và đồng nghiệp từng không biết điều gì sẽ xảy ra khi năm học 2022 bắt đầu.

Một trong những đứa trẻ khiếm thính tham gia là Azza. Trước đây, em từng theo học tại trung tâm can thiệp sớm. Em rất hào hứng khi được đến trường mới và đã tập giới thiệu bản thân bằng ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên, Azza cứng người ngay tại chỗ. Mẹ em - bà Norasyikin Jaafar kể: “Có lẽ vì trong lớp có quá nhiều người xa lạ”.

Azza, khi đó 6 tuổi, đã có khởi đầu thuận lợi hơn những đứa trẻ khiếm thính còn lại. Bởi, em là người duy nhất biết một số ngôn ngữ ký hiệu cơ bản. Azza học được từ hai chị gái cũng bị mất thính lực và mẹ mình. Theo giáo viên Pung, các cha mẹ có con bị khiếm thính thường cảm thấy “lạc lõng” vì học ký hiệu “giống như một ngôn ngữ hoàn toàn mới”.

Nữ giáo viên này cho biết, trong một số trường hợp, cha mẹ có thể được khuyến khích thử những phương thức giao tiếp khác cho con mình, như cách tiếp cận bằng miệng, sử dụng lời nói.

“Đó là một khó khăn khác mà các cha mẹ có thể gặp phải - bị giằng xé giữa vô vàn ý tưởng khác nhau mà mọi người có”, giáo viên Pung chia sẻ. Kết quả là, trẻ có thể bắt đầu học mẫu giáo với “ít hoặc không có ngôn ngữ”. Theo nữ giáo viên này, có “sự khác biệt đáng kể” về khả năng ngôn ngữ giữa trẻ bình thường và những bé bị mất thính lực khi bắt đầu học mẫu giáo.

“Trẻ bình thường có thể giao tiếp và cho chúng tôi biết tên, sở thích hoặc không thích gì. Tuy nhiên, trẻ khiếm thính không biết làm thế nào. Ví dụ, một đứa trẻ khiếm thính có thể biết đây là cây gì, nhưng không thể nói cho mọi người hiểu chúng đã nhìn thấy gì. Bạn học được rất nhiều điều từ việc lắng nghe cuộc trò chuyện của người khác, nhưng những đứa trẻ này thì không”, giáo viên Pung nói.

Tại Trường Mẫu giáo Mayflower, mỗi bài học đều được giảng dạy song song bởi giáo viên nói và ký hiệu. Đó là lý do trẻ khiếm thính có thể học cùng các bạn bình thường khác.

Giáo viên Pung còn đóng vai trò là thông dịch viên cho học sinh. Từ đó, giúp các em có thể tham gia đầy đủ vào hoạt động của lớp, ví dụ như trả lời câu hỏi hoặc hát. Khi đến lớp học tiếng, trẻ khiếm thính sẽ học Ngôn ngữ ký hiệu Singapore trong phòng riêng.

Trẻ tham gia lớp học cùng các bạn khiếm thính, được hỗ trợ bởi một giáo viên dạy ký hiệu.
Trẻ tham gia lớp học cùng các bạn khiếm thính, được hỗ trợ bởi một giáo viên dạy ký hiệu.
Khi bắt đầu giảng dạy, giáo viên giao tiếp với các em bằng những cử chỉ đơn giản.
Khi bắt đầu giảng dạy, giáo viên giao tiếp với các em bằng những cử chỉ đơn giản.

Giáo viên Pung nhớ rằng, khi bắt đầu giảng dạy, cô giao tiếp với các em bằng những cử chỉ đơn giản, chẳng hạn như bắt chước con vịt hoặc cho trẻ xem một bức tranh. Khi học sinh tiến bộ, cô sẽ giới thiệu ký hiệu liên quan cho các em.

“Dạy học sinh ngôn ngữ ký hiệu sẽ mang lại cho trẻ ngôn ngữ đầu tiên để truyền đạt những gì các em muốn. Khi nền tảng đã được xây dựng xong, chúng ta cần tiếp tục xây dựng từ vựng cho các em để có thể dạy trẻ về khái niệm”, nữ giáo viên chia sẻ.

Điều đó có thể khiến cô mất rất nhiều công sức, đặc biệt là khi dạy những khái niệm trừu tượng hơn, như lòng tốt. Việc nhập vai sẽ giúp ích trong những trường hợp như thế này. Chẳng hạn, cô có thể yêu cầu một trẻ giả vờ bị ngã và hỏi những đứa trẻ khác xem các em có thể làm gì để giúp đỡ bạn mình. Ngày tháng trôi qua, cô nhận thấy sự tiến bộ cũng như tự tin ngày càng tăng của trẻ.

Khi mới tới lớp, học sinh đã được các giáo viên giới thiệu về cách tương tác với những bạn bị suy giảm thính lực, về máy trợ thính. Đồng thời, đề nghị trẻ có thể vỗ nhẹ vào vai bạn nếu muốn thu hút sự chú ý. Bà Chen cho biết: “Những đứa trẻ không thấy sự khác biệt giữa bạn bè của chúng. Sự khác biệt duy nhất là trẻ biết rằng, các em cần sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với bạn bè”.

Quả thực, ngay từ đầu, giáo viên Pung đã quan sát thấy trẻ cùng nhau chơi và học “rất tự nhiên”. Khi lên lớp, tất cả những điều này đến với trẻ một cách tự nhiên hơn nhiều.

Những cuộc trò chuyện thông thường giữa trẻ trở nên phổ biến khi các em so sánh vòng tay tình bạn, xếp khối với nhau và thậm chí tranh cãi về bút chì màu. Giáo viên Pung nói: “Nếu không nhìn thấy máy trợ thính, mọi người thực sự không biết trẻ nào bị mất thính lực”.

Trả lời về việc liệu chương trình có được mở rộng sang các trường mẫu giáo khác hay không, đại diện MOE cho biết, số trẻ em ở Singapore được chẩn đoán bị mất thính lực từ trung bình đến nặng dự kiến vẫn ở mức thấp.

MOE sẽ nghiêm túc xem xét các yếu tố như nhu cầu đối với chương trình và sự sẵn có của giáo viên có năng lực ký hiệu. Các yếu tố tương tự cũng được xem xét khi quyết định có nên thực hiện chương trình chuyên biệt dành cho trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt khác hay không.

Theo CNA

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương pháp dạy học hòa nhập