Trong thời gian tới, nếu không có giải pháp đột phá, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước và mất an toàn đập, hồ chứa nước, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
GS. TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai không thể tách rời nhau, cũng như không thể tách rời quản lý tài nguyên nước với việc lập các chương trình phát triển, điều hòa lại nguồn nước mặt, nước ngầm và phòng chống giảm nhẹ thiên tai (lũ, lụt, úng, hạn, sạt lở đất, xâm nhập mặn…) và khai thác, sử dụng nước để cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và các nhu cầu cho dân sinh ở cả nông thôn và thành thị.
Do đó, muốn bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn nước phải nghiên cứu quy hoạch lưu vực sông, tính toán cân bằng nước trên cả một vùng rộng lớn thì từ đó mới đề ra chiến lược, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đúng đắn.
Thực tế đã chứng minh không thể đề ra được những biện pháp, những kế hoạch thủy lợi trong nhiều năm nhằm chống lũ, lụt, hạn hán, cấp nước đô thị và dân sinh của đồng bằng sông Hồng nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy đủ lưu vực sông Hồng, lưu vực Lô – Gâm. Hay không thể đề ra chiến lược cũng như kế hoạch giải quyết các vấn đề phòng chống lũ, lụt, xâm nhập cải tạo chua phèn, cấp nước và tiêu nước cho ĐBSCL mà không tính đến tình hình thượng nguồn sông Mekong.
Ngoài ra, tổ chức quản lý nhà nước về tài nguyên nước của ta hiện nay còn phân tán, chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành, đặc biệt là về bảo vệ phân phối tài nguyên nước và về khai thác, sử dụng, phát triển nguồn nước, quản lý hệ thống công trình thuỷ lợi và phòng chống thiên tai. Do đó nên đưa công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai về một đầu mối, như thế sẽ không tạo ra sự chồng chéo và khoảng trống.
Chia sẻ về tình trạng ngập lụt ở các đô thị, đại diện Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, biến đổi khí hậu hiện là nguyên nhân của những trận mưa với lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn gây ra tình trạng ngập lụt, úng. Trong khi đó, đô thị hóa là tất yếu, khách quan, là động lực phát triển quan trọng, do đó cần phải lồng ghép quy hoạch tiêu thoát nước, chống ngập lụt vào trong quy hoạch phát triển.
Viện Quy hoạch thủy lợi đề xuất giải pháp công trình và cả phi công trình. Trong đó, các biện pháp phi công trình như: Rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước đô thị cần kết hợp với quy hoạch tiêu thoát nước nông nghiệp theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng bản đồ hiện trạng ngập lụt, bản đồ dự báo ngập lụt đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch…