Cái khó của Quang Hải cũng là cái khó của Pau FC, đều là những cầu thủ nhỏ và đội bóng nhỏ. Hải tập nỗ lực gấp nhiều lần để bù đắp thua thiệt về vóc dáng và sức mạnh, song anh ngày càng “đuối” về cơ học so với những người cạnh tranh vị trí cao to khác.
Pau FC ban đầu cũng dành sự tôn trọng lớn cho Hải với thời lượng ra sân đều đặn, đôi khi HLV Didier Tholot còn xếp Hải đá chính. Nhưng rồi thì Pau FC tuột dài với chuỗi trận hoà và thua, ông Tholot cũng không thể đánh cược cái ghế của mình bằng một cầu thủ Đông Nam Á bé nhỏ và thực sự là chưa mang lại dấu ấn nào nổi trội.
Vậy là tần suất chơi bóng của Quang Hải thưa dần, cho đến giai đoạn cận kề World Cup 2022 thì anh hầu như không còn được thi đấu nữa. Việc Pau FC đồng ý nhả Quang Hải về AFF Cup cũng thể hiện rằng anh chẳng còn quá quan trọng với CLB.
Với Quang Hải, rời Pau FC lúc này cũng khá giống một lời tạm biệt cho tương lai. Còn với tuyển Việt Nam, thầy Park cũng đủ tinh tường để sớm nhận ra rằng đấy không phải là một Quang Hải phiên bản tốt nhất.
Vũ khí sắc sảo nhất làm nên Quang Hải là những pha nhấn nhá, qua người bằng động tác giả hay đẩy bóng vào trụ đối phương, là những đường chuyền “cắt tiết” trong tư thế không ai ngờ tới, là những cú sút như từ trên trời giáng xuống…
Tất cả phẩm chất ấy dường như thui chột ở Pau FC, nơi mà Hải không còn tự tin cầm bóng, không được mạo hiểm chuyền bóng và cũng không có đồng đội nào sẵn sàng hỗ trợ để anh chơi sáng tạo. Hải đơn độc trong nỗ lực chứng tỏ mình, và mỗi ngày trôi qua, anh lại phải tự bình thường hoá mình đi một chút.
Bình thường hóa là điều hiển nhiên và bắt buộc, để hòa nhập, để phục vụ một CLB vốn dĩ trận nào cũng mang tính chất chung kết ngược. Nhưng bình thường hóa cũng nhanh chóng biến Quang Hải thành quen với những đường chuyền một nhịp vô thưởng vô phạt và lạ với những tình huống chơi bóng bằng cảm xúc.
Đấy là lý do vì sao chúng ta thấy Quang Hải vội vã đẩy bóng đi ngay, và thường là mất bóng mỗi lần bị cầu thủ Indonesia áp sát. Đấy cũng là lý do vì sao chúng ta thấy Quang Hải úp volley đập đất vọt xà Indonesia hàng mét, quả đá sở trường mà khi Hải còn ở Việt Nam, ít khi anh thực hiện “lỗi” đến như vậy.
Nghề đá bóng, nói cho cùng, thành hay bại vẫn nằm ở cảm giác thi đấu. Đặng Văn Lâm cũng ngồi chơi cả một mùa bên Nhật Bản, nhưng chỉ cần vài tháng được bắt đều cho Bình Định, anh đã chói sáng tại AFF lần này.
Quang Hải không có được may mắn đó, nhưng hy vọng với sự điều chỉnh từ thầy Park, anh sẽ tìm lại được đúng điểm rơi phong độ và cảm hứng trong thời điểm quan trọng nhất. Bán kết lượt về với Indonesia, thầy Park đã nói đó là trận cuối của ông nếu chúng ta thua. Vậy thì Quang Hải, hãy làm gì đi chứ?