"Chúng tôi đã khởi công xây dựng công trình này từ năm 2015 và khánh thành đưa vào hoạt động vào ngày 3/12/2018. Đây là cảng hàng không mà tôi cho rằng đã thành công. Tất cả hành khách đi qua cảng hàng không này đều cảm thấy tiện nghi, mang dáng dấp riêng có của 1 cảng hàng không bên bờ vịnh Hạ Long.
Từ khi đưa vào khai thác và sử dụng, cảng hành không đã phát huy được vai trò và đặc biệt trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19. Hiện nay chúng tôi đã đón được trên 5.000 chuyến bay, trong đó xấp xỉ 4.500 chuyến bay quốc tế, với lượng du khách đạt được là trên 610.000, trong đó có 80.000 khách quốc tế.
Quá trình xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Vì đây là cảng hành không đầu tiên giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương cấp tỉnh và hình thức đầu tiên là BOT nên nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách pháp luật chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, cứ đi là đến, chúng tôi cũng đã mày mò và thành công. Thời điểm đó, chúng tôi quyết định thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng cảng hành không này, mời đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải tham gia Ban Chỉ đạo, cùng với đồng chí lãnh đạo cục, vụ, viện của Bộ GTVT.
Thứ hai, phương pháp tổ chức đầu tư, cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá chiến lược cũng cần cải tiến để quyết tâm lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết đầu tư cảng hàng không này.
Theo đó, chúng tôi cũng thành lập 1 ban hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Chúng tôi quyết tâm cải cách hành chính một cách nhanh nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục pháp lý cũng như thủ tục hành chính.
Thứ ba, chúng tôi quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đền bù, giải phóng mặt bằng là khâu quyết định để hỗ trợ nhà đầu tư một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất các chi phí đầu tư.
Ngoài chính quyền các cấp, chúng tôi huy động các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho đến các phân khu để đẩy nhanh tiến độ này. Thực tế Quảng Ninh đã rất thành công trong công tác giải phóng mặt bằng nhanh nhất và hiệu quả nhất", theo Chủ tịch Quảng Ninh.
Từ bài học của Quảng Ninh, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng tầm nhìn của người lãnh đạo là rất quan trọng.
Từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, có thể giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng nếu thu hút được đầu tư của tư nhân bởi một đồng ngân sách thu hút 8-9 đồng của xã hội.
"Nếu như thế, chúng ta xây dựng 1 km đường cao tốc bằng ngân sách thì chúng ta thu hút được xã hội đầu tư xây được 8-9 km nữa. Nếu nói về nguồn lực, sức mạnh tài chính thì nhân lên đến 8-9 lần nếu chúng ta thực hiện xã hội hóa thành công. Kinh nghiệm rất là rõ.
Kinh nghiệm nữa là cải cách hành chính. Doanh nghiệp vào mà thủ tục trói chân trói tay, người ta cố 1-2 năm là nản. Thứ ba nữa, các địa phương cũng rút ra nhưng làm như Quảng Ninh không phải dễ, đó là giải phóng mặt bằng nhanh, điều này rất quan trọng.
Có khi công trình rẻ, không đội vốn, đội giá gì nhưng kéo từ năm này qua năm khác sẽ đội lên rất nhiều. Nhiều khi hiệu quả công trình tiết kiệm nằm ở thời gian rút ngắn giải phóng mặt bằng", ông Dũng nhìn nhận.