Quốc gia muốn gia nhập EU và NATO đổ lỗi liên minh này gây ra xung đột Nga-Ukraine

Công Thuận | 31/05/2023, 23:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gruzia muốn gia nhập EU và NATO, nhưng đổ lỗi cho liên minh quân sự này gây ra xung đột ở Ukraine.

Quốc gia muốn gia nhập EU và NATO đổ lỗi liên minh này gây ra xung đột Nga-Ukraine - Ảnh 1.

Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili. Ảnh: err.ee

Theo tờ Politico, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili ngày 30/5 cho biết cuộc xung đột ở Ukraine là một phản ứng của Nga đối với việc mở rộng NATO, một dấu hiệu khác cho thấy Tbilisi đang có sự chia rẽ với phương Tây.

Phát biểu tại diễn đàn an ninh GLOBSEC ở Slovakia, ông Garibashvili nói rằng "một trong những lý do chính" đằng sau cuộc xung đột ở Ukraine "là sự mở rộng của NATO và mong muốn của Ukraine trở thành thành viên của NATO".

Theo ông Irakli Garibashvili, việc quân đội phương Tây áp sát biên giới Nga cũng là một phần lý do quan trọng khiến xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Gruzia đã xung đột với Nga vào năm 2008 và từ đó trở thành một trong những đối tác thân cận nhất của NATO, với việc liên minh này huấn luyện cho binh sĩ của Gruzia. Đầu năm đó, 77% cử tri ủng hộ Gruzia gia nhập NATO trong một cuộc trưng cầu dân ý. Sau cuộc thăm dò, NATO đã đưa ra một tuyên bố trong đó nói rằng nước này cuối cùng sẽ trở thành thành viên, nhưng tiến trình gia nhập của Gruzia đã bị đình trệ kể từ đó.

Mặc dù có tham vọng gia nhập EU, Gruzia được cho là không đáp ứng các yêu cầu cải cách để thúc đẩy tư cách thành viên của mình. “Chúng ta đã chứng kiến ​​những thất bại trong các lĩnh vực chính như pháp quyền, quản trị và nhân quyền”, EU cho biết vào năm ngoái.

Đầu tháng này, Nga tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay giữa hai bên và bãi bỏ yêu cầu thị thực đối với công dân Gruzia. Việc bãi bỏ các yêu cầu về thị thực và khởi động lại các chuyến bay đến Gruzia đã nằm trong chương trình nghị sự của Moskva từ lâu.

Các quy định về thị thực mới đã chờ chữ ký của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ năm 2019, nhưng các cuộc biểu tình nổ ra sau chuyến thăm của nghị sĩ Nga Sergei Gavrilov tới Tbilisi cùng năm đó đã gây ra một đợt căng thẳng khác giữa hai bên. Vào thời điểm trên, Nga lại dừng các chuyến bay trực tiếp đến Gruzia với lý do an ninh.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc mở lại các chuyến bay tạo điều kiện tiếp xúc giữa các công dân Nga và Gruzia, bất chấp việc không có quan hệ ngoại giao, vốn đã bị Gruzia cắt đứt sau cuộc chiến năm 2008. Mặc dù, không có quan hệ ngoại giao, nhưng cả hai bên thường xuyên liên lạc trong khuôn khổ đa phương từ năm 2008. Kể từ năm 2012, cũng đã có các cuộc thảo luận song phương giữa các đại diện của Gruzia và Nga.

Thông báo nối lại chuyến bay trên đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt, không chỉ từ phe đối lập Gruzia và Tổng thống Salome Zourabichvili, mà còn từ EU và Mỹ. Brussels lưu ý rằng với việc Gruzia nộp đơn xin tư cách ứng cử viên EU, nước này phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt Nga, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo rằng "bây giờ không phải là lúc để mở rộng quan hệ với Nga".

Sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, chính sách của Gruzia là không áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với Moskva, nhưng cũng cam kết rằng Điện Kremlin không sử dụng lãnh thổ của họ để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc gia muốn gia nhập EU và NATO đổ lỗi liên minh này gây ra xung đột Nga-Ukraine