Cùng ngày Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong cuộc điện đàm, mặc dù tiếp tục đưa ra cam kết hỗ trợ cho Ukraine và phối hợp chặt chẽ với các đối tác theo dõi sát tình hình, song Thủ tướng Đức cũng cho biết sẽ hướng tới mục tiêu kêu gọi “sự ủng hộ toàn cầu cho một giải pháp hòa bình”.
Từ châu Phi, Ngoại trưởng Burundi, Albert Shingiro trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh lập trường trung lập của các nước châu Phi, đồng thời hy vọng cuộc xung đột sẽ không lan sang các khu vực khác.
“Liên quan đến tình hình ở Ukraine, Burundi đã chọn đứng về phía của các giải pháp và không đứng về phía nào trong cuộc xung đột này. Chúng tôi giữ quan điểm trung lập, quan điểm không liên kết để ngăn chặn cuộc xung đột này lan sang các khu vực khác, cụ thể hơn là lục địa châu Phi. Chúng ta phải giảm thiểu tác động của xung đột và đây là lập trường của hầu hết các nước châu Phi về vấn đề này”.
Xung đột Nga - Ukraine trong những ngày gần đây tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/5 cho biết, các lực lượng của nước này đã tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao nhằm vào các sân bay quân sự, đồng thời phá hủy các bốt chỉ huy, chiến đấu cơ, kho vũ khí và đạn dược của Ukraine.
Trong khi đó, sáng hôm qua (30/5), theo giờ địa phương, thủ đô Moscow của Nga đã bị tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV), mà theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, chính quyền Ukraine là thủ phạm đứng sau các vụ tấn công. Trong một động thái liên quan, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, John Kirby cho biết, chính quyền Mỹ không khuyến khích hoặc cho phép Ukraine sử dụng thiết bị nào do Mỹ sản xuất để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga
Hiện cuộc khủng hoảng đang ngày càng xấu đi đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của cộng đồng quốc tế tìm các giải pháp cho đàm phán. Hiện có rất nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và nhiều quốc gia châu Phi đã đưa ra những đề xuất, sáng kiến cho hòa bình. Song cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào được chấp thuận bởi “hố ngăn” lập trường khác biệt giữa Nga và Ukraine ngày càng lớn.
Trong khi Nga coi việc Ukraine trở lại trạng thái trung lập là một trong những điều kiện để đạt được hòa bình thì Kiev khẳng định sẽ không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Mục tiêu của Ukraine là Nga phải rút hết quân, khôi phục đường biên giới của Ukraine được quốc tế công nhận năm 1991./.