TS Trần Lăng thẳng thắn thừa nhận, dù địa phương đã xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng những trường có nguồn lực nhỏ cả về quy mô ngành nghề, tài chính như Trường ĐH Phú Yên khó hấp dẫn được giảng viên là PGS, GS. Trước tiên, cơ sở vật chất không đảm bảo điều kiện cho việc nghiên cứu, hoạt động giảng dạy không thuận lợi và điều kiện kinh tế cũng không đảm bảo. Trường ĐH Phú Yên xác định sẽ chủ động xây dựng, đào tạo nguồn tại chỗ.
Trường ĐH Kinh tế Nghệ An cũng xác định sẽ đào tạo nguồn tại chỗ để giải quyết bài toán giảng viên đủ điều kiện đạt chuẩn PGS, GS. Theo TS Nguyễn Đình Tường, nếu giảng viên cơ hữu tại trường đủ điều kiện nâng trình độ đào tạo lên tiến sĩ hoặc chức danh GS, PGS, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ.
Theo đó, ngoài sự hỗ trợ chung theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương, nhà trường sẽ trích nguồn kinh phí nhằm động viên, khích lệ thầy cô. Sắp xếp thời gian đứng lớp giúp họ chuyên tâm vào hoạt động nghiên cứu, chuẩn bị xét hồ sơ PGS, GS…
Bằng phương châm đào tạo tại chỗ, Trường ĐH An Giang đã có 6 PGS, dự kiến sẽ thêm 2 PGS. Tất cả PGS này do nhà trường tự tạo nguồn từ thạc sĩ, tiến sĩ lên chứ không có nhân sự được thu hút từ nơi khác về. Trước đó, nhà trường có 1 GS nhưng đã nghỉ hưu. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác đào tạo sau đại học của trường. Từ khi thành lập trường đến nay, Trường ĐH An Giang có khoảng 100 thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài về công tác.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu thẳng thắn thừa nhận, không phải cứ nỗ lực đào tạo tại chỗ thì có thể bổ sung, phát triển được nguồn lực PGS, GS đầu ngành. “Hiện một số ngành đặc thù, số lượng PGS, GS được công nhận rất ít. Các giảng viên khi đạt học hàm GS, PGS thì tuổi đã cao. Vì vậy, độ tuổi công tác ở vị trí GS, PGS thực tế còn rất ngắn. Các thế hệ kế cận cũng không dễ thay thế khi tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS ngày càng khó”, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng phân tích.
Còn PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Nếu cứ so chiếu số lượng công bố quốc tế ở hiện tại, giảm chi phí chi trả cho người có trình độ cao về hưu… là “thành tích” về quản trị hiệu quả trước mắt nhưng sẽ là thách thức lớn đối các ngành khoa học cơ bản, đặc thù trong tương lai. Với đà như vậy sẽ có một số ngành “tuyệt chủng”. Một là thiếu người học, hai là thiếu người đủ trình độ để tham gia đào tạo, nếu như không có chính sách hợp lý kịp thời”.
PGS.TS Võ Văn Minh đề xuất Nhà nước cần xây dựng chính sách đối với đội ngũ trí thức trình độ cao ở một số lĩnh vực đặc thù. Mặt khác đối với sinh viên học các ngành khoa học cơ bản, đặc thù cũng cần phải có chính sách thu hút, tạo điều kiện học tập, nghiên cứu. Đồng thời cơ sở đào tạo khoa học cơ bản có chất lượng, người học cũng cần được đầu tư phát triển.
“Chính sách hợp lý là cứu cánh trước mắt, không phải vì cứu các ngành, trường mà vì sự phát triển bền vững đất nước. Bởi khoa học cơ bản cần độ thâm sâu, quá trình tích lũy qua thời gian… đồng thời khoa học cơ bản cũng có tác động đến xã hội căn bản, lâu dài… Tính đặc thù nằm ở chỗ đó. Do vậy ở tầm vĩ mô cần quan tâm đến khoa học cơ bản đúng mức, đủ tầm. Nếu không sẽ rất hối tiếc và mất nhiều tiền, thời gian cũng khó có thể phục hồi trở lại”.