Theo TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, diện tích đất là băn khoăn mấy chục năm nay nhưng giáo dục đại học đang hiện đại hóa nên tiêu chuẩn về diện tích càng trở nên quan trọng. Các trường đại học chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Riêng Hà Nội có khoảng 600 nghìn sinh viên đại học. Đất Hà Nội là “đất vàng” nên chúng ta khó có thể hy vọng mở rộng quỹ đất cho trường đại học ở nội đô. Cách duy nhất là cơi nới, đưa các đại học ra vùng lân cận của Thủ đô như: Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Ninh… Do đó các trường có thể mạnh dạn đặt yêu cầu về việc bố trí quỹ đất tới các địa phương. Đây là vấn đề thuộc về quy hoạch đất dành cho giáo dục, đào tạo.
Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, vấn đề cấp đất cho giáo dục phát triển đã được luật hóa, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) viện dẫn và cho biết, nước Mỹ là ví dụ điển hình. Trong khi đó, ở nước ta, quy hoạch đất cho giáo dục còn bất cập. Nhiều địa phương thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn.
Từ thực tế, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần có chính sách riêng, đặc thù về đất đai cho giáo dục. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, giáo dục rất cần đầu tư đồng bộ, trong đó việc đầu tư chính sách đất đai cho giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Tại tọa đàm góp ý về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, để giải quyết vấn đề quỹ đất, các trường cần chủ động đề xuất với các địa phương. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, mà còn là trung tâm của tri thức, khoa học và đổi mới sáng tạo, do đó cần có không gian để phát triển. Khi có đất, các trường sẽ có nhiều việc để làm, ví dụ như hợp tác với doanh nghiệp.
Mỗi cơ sở giáo dục đại học đang nhìn tiêu chuẩn, tiêu chí từ cơ sở mình, nhưng cần góc nhìn rộng hơn cho cả hệ thống, Thứ trưởng nhấn mạnh. Làm sao để quy hoạch, sắp xếp hệ thống, trật tự, bài bản, khang trang hơn. Muốn vậy phải đưa ra tối thiểu để hệ thống cố gắng, cùng sự vào cuộc của các bên liên quan: Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư…
Bộ GD&ĐT đưa ra Chuẩn cơ sở giáo dục đại học không phải để xử phạt, quan trọng là các trường nhìn vào để phấn đấu. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là người học. Theo đó, người học nhìn vào phải biết “sức khoẻ” của trường thế nào. Việc đưa ra chuẩn cũng không phải để đối sánh, xếp hạng nhưng hiệu ứng phụ của việc công bố chuẩn sẽ là thông tin minh bạch cho xã hội, xã hội nhìn vào đó có sự đối sánh.
Tại Hội nghị tập huấn triển khai Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 5/2/2024 của Bộ GD&ĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia nhấn mạnh, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí; trong đó có quy định về diện tích nhằm từng bước đổi mới quản lý Nhà nước, với mục đích quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đại học.