Một số phương án cụ thể trong Quy hoạch có tác động mạnh mẽ tới hệ thống trường đại học trong đó có khối sư phạm...
Một trong những điểm nhấn của Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) là phương án sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học sư phạm thể dục và thể thao, sư phạm nghệ thuật, trường cao đẳng sư phạm… Triển khai việc này chắc chắn sẽ tác động đến các trường, người dạy và học.
Theo nhận định của ông Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Hành chính, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Quy hoạch đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống giáo dục đại học. Một trong những phương án quan trọng là sắp xếp, phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm sáp nhập hoặc giải thể các trường hoạt động không hiệu quả dù đã được đầu tư.
Đây là vấn đề tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống đào tạo giáo viên và hiệu quả đầu tư công cho hệ thống giáo dục quốc dân; bổ sung nguồn lực cho các trường đại học tốt có thể phát triển bứt phá trong tương lai. Về mặt quy hoạch đã tính đến yếu tố vùng, vì vậy nên sáp nhập các trường có gần lĩnh vực đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra các trường đại học đủ lớn mạnh và hướng tới vươn tầm quốc tế.
Các trường đại học yếu, không tuyển sinh được trong thời gian dài, hoạt động không hiệu quả và không thể sáp nhập vào một trường khác thì phải quyết tâm giải thể. Việc giải thể một trường học sẽ phức tạp hơn sáp nhập bởi cần đảm bảo việc học tập của những sinh viên chưa tốt nghiệp được tiếp tục. Có thể chuyển về các trường đại học có đào tạo ngành ở những địa phương lân cận.
Quy hoạch cũng thúc đẩy các trường phải thay đổi phương thức quản trị để phát triển, tránh rơi vào trường hợp phải sáp nhập hay giải thể. Như vậy, có thể thấy việc công bố Quy hoạch đã tác động tích cực cho sự phát triển giáo dục đại học thời gian tới. Cái cần làm bây giờ là đưa ra giải pháp phù hợp cũng như đánh giá, giám sát chặt chẽ quá trình vận hành Quy hoạch.
Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cho rằng, một số phương án cụ thể trong Quy hoạch có tác động mạnh mẽ tới hệ thống trường đại học trong đó có khối sư phạm. Tới đây sẽ chấm dứt tình trạng hệ thống các trường, nhất là hệ thống tư thục, phát triển manh mún, mạnh ai người đó làm; mở trường chủ yếu nhằm đầu tư sinh lời; đào tạo các ngành nghề chạy theo nhu cầu người học, xã hội mà không cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho quốc gia…
Các phương án sắp xếp, phát triển cơ sở đào tạo giáo viên trong Quy hoạch được đề xuất dựa trên cân nhắc thực trạng mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đang bị phân mảnh, phân bổ chưa đồng đều; nhiều cơ sở giáo dục không đạt tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, đặc biệt về diện tích đất và cơ sở vật chất; chưa có sự phân loại chất lượng cơ sở giáo dục để định hướng đầu tư. Các trường tập trung tại thành phố lớn của đất nước nên chưa tận dụng hết khả năng để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và nhu cầu thị trường lao động các vùng miền.
Đưa ra nhận định, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng thời phân tích: Sáp nhập, giải thể, tạm dừng hoạt động của một số cơ sở giáo dục hoạt động thiếu hiệu quả, không đảm bảo chất lượng là hy sinh cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động từng cơ sở và tối ưu hóa toàn hệ thống; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các đại học lớn đủ năng lực hợp tác và cạnh tranh quốc tế để tạo đột phá. Đó cũng là cách chúng ta thực hiện chủ trương Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Để sử dụng hiệu quả nguồn lực, một số trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu các trường đại học sư phạm/trường đại học đa ngành, hoặc sáp nhập các trường cao đẳng địa phương. Thông qua việc sáp nhập, các chương trình đào tạo giáo viên được nâng cao chất lượng, nhờ vào sự kết hợp tài nguyên, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên giữa các trường.
Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực, mà còn tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu phong phú hơn, góp phần nâng cao chất lượng, trình độ giảng viên. Đồng thời, việc này nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp sinh viên sư phạm tiếp cận các ngành học khác, mở rộng kiến thức và kỹ năng liên ngành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, xã hội.
“Trên thực tế, giai đoạn vừa qua đã tiến hành sáp nhập. Ví dụ, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên sáp nhập với Trường Cao đẳng Tài chính thành Trường Cao đẳng Thái Nguyên; Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long sáp nhập với Trường Cao đẳng Vĩnh Long; Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum sáp nhập với Trường Cao đẳng Kinh tế Kon Tum; Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam thành phân hiệu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội... Việc sáp nhập này mang lại lợi ích nhiều hơn như tuyển sinh tăng, tận dụng được nguồn lực”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, các cơ sở cần phải nghiên cứu lựa chọn phương án sắp xếp hoặc sáp nhập (có thể trở thành phân hiệu của một trường đại học; hoặc sáp nhập vào một trường sư phạm; mở rộng không gian phát triển hoặc chuyển đổi mô hình). Tất cả phương án cần được cân nhắc về quyền lợi của nhiều bên với các chính sách hỗ trợ tài chính, chuyển đổi công nhận tín chỉ và tư vấn sinh viên để hỗ trợ họ tìm kiếm các cơ hội mới.
Đơn cử như, công nhận tín chỉ tương đương để việc sáp nhập không khiến người học phải học lại, mà tiếp nối, nhận bằng của một cơ sở giáo dục có giá trị hơn; hỗ trợ tài chính cho cán bộ bị tinh giản trong quá trình sáp nhập và tinh gọn bộ máy; tư vấn giới thiệu tạo các cơ hội việc làm...
Khi sáp nhập với trường đại học sẽ có bộ phận giảng viên cao đẳng không đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo. PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, những giảng viên này (còn trong độ tuổi) cần được tạo điều kiện học nâng cao trình độ, đảm bảo đạt chuẩn trong một khoảng thời gian nhất định và được ưu tiên tuyển dụng lại; hoặc hỗ trợ tài chính một lần để họ chuyển đổi sang công việc khác.
Cũng khẳng định khi thay đổi sẽ tạo ra tác động đến các trường đại học và người học, quan điểm của ông Nguyễn Vinh San, quan trọng là phải tính toán để những tác động đó có lợi cho giáo dục và sự phát triển. Ngoài ra, các nhà quản lý cần tính toán phương án giải quyết về mặt nhân sự dôi dư và quyền lợi người học.
Sáp nhập các trường đại học, cao đẳng diễn ra nhiều trong thời gian qua, tạo ra các bài học kinh nghiệm quý giá. Chính vì vậy, chúng ta không quá lo lắng về quyền lợi người học. Khi sáp nhập dễ phát sinh nhân sự dôi dư, không đáp ứng được yêu cầu mới, cần có chính sách phù hợp để xử lý các trường hợp này. - Ông Nguyễn Vinh San.