Dầu của Nga có thể sẽ được sử dụng làm nhiên liệu ở châu Âu thông qua các tuyến đường mới. Việc thực thi trên khắp lục địa bị phân tán và phụ thuộc vào dữ liệu không nhất quán. Và một thị trường chợ đen hoàn toàn mới đã xuất hiện để bảo hiểm, vận chuyển và giấu nhiên liệu của Nga khi nước này đi khắp thế giới.
Các biện pháp trừng phạt đã không còn hiệu quả. Thu nhập xuất khẩu dầu của Nga chỉ giảm 14% kể từ khi các hạn chế được áp dụng. Và vào tháng 10, doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đạt mức cao nhất trong 18 tháng.
Politico cho rằng, mâu thuẫn trong nội khối EU liên quan đến việc thắt chặt và "vá" các lỗ hổng trong thực thi các biện pháp trừng phạt Nga đã khiến Moscow thoát khỏi thế cô lập.
Trên thực tế, không chỉ liên quan đến việc Bulgari được miễn trừ trừng phạt mà còn bởi các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, các hướng dẫn và giấy tờ.
Cùng với đó là sự mâu thuẫn về lợi ích giữa các quốc gia mong muốn trừng phạt Điện Kremlin và các quốc gia được hưởng lợi lớn từ việc vận chuyển năng lượng từ Nga.
Các quy định hiện nay của châu Âu yêu cầu không vận chuyển dầu của Nga được bán với mức giá trên 60 USD/thùng. Tuy nhiên, các hãng vận tải nội khối sẽ khó có thể biết được số dầu mà họ đang vận chuyển có được bán dưới mức giá đó hay không.
Nếu liên tục từ chối các đơn hàng, ngành vận tải biển của các nước châu Âu sẽ gặp khó khăn bởi người bán ở Nga sẽ có thể tìm đến các hãng vận tải khác trên khắp thế giới để bán dầu của họ vào châu Âu.
Cùng lúc đó, các nước EU vẫn cho phép dầu của Nga trung chuyển ở vùng biển của mình để bán đi nơi khác. Điều này không đáp ứng được mong muốn ban đầu của EU khi công bố lệnh trừng phạt là "đánh vào túi tiền của Điện Kremlin".
Nghiên cứu của CREA phát hiện ra rằng, 822 tàu vận chuyển dầu thô Nga đã chuyển hàng hóa của họ sang một tàu khác trong lãnh hải EU - phần lớn ở các vùng lãnh hải của Hy Lạp, nhưng cũng có cả vùng biển Malta, Tây Ban Nha, Romania và Ý - kể từ khi lệnh trừng phạt dầu mỏ bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái. Khối lượng tương đương 400.000 thùng mỗi ngày.
Một số nước EU có ngành vận tải biển lớn bày tỏ sự ngần ngại trong việc thắt chặt trần giá theo chính sách trừng phạt của châu Âu. Trong đợt trừng phạt mới nhất, Síp, Malta và Hy Lạp một lần nữa nêu lên lo ngại về những lời kêu gọi tăng cường các hạn chế vận chuyển mà châu Âu đưa ra.
Byron McKinney, Giám đốc công ty thương mại hàng hóa S&P nhận định: "Khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, chúng dường như có hiệu lực trong một thời gian rất ngắn. Hiện tại, tình hình là hầu hết các biện pháp trừng phạt được áp dụng đều không thực sự hiệu quả - hoặc có hiệu quả rất hạn chế".