Ngoài ra, thời điểm Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23 được dựa trên căn cứ Luật Giáo dục đại học năm 2012. Tuy nhiên, năm 2018 Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều nên không còn đề cập đến khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao.
Với sự ra đời của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ phát triển các loại chương trình đào tạo; trong đó có cả chương trình với tên gọi chất lượng cao, miễn là đáp ứng các quy định chung về chuẩn chương trình đào tạo giáo dục đại học được quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và quy định về học phí tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ thực tiễn khách quan, việc bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, các trường đại học có thể dùng khái niệm chất lượng cao để đặt tên cho chương trình của mình mà không còn bị ràng buộc bởi các điều kiện quy định trong Thông tư 23. Điều quan trọng là, cơ sở đào tạo phải khẳng định chất lượng của chương trình, giải trình được với các bên liên quan và toàn xã hội những gì trường đã cam kết về chuẩn đầu ra và điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với cái tên đó.
Nói cách khác, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai “chương trình chất lượng cao”. Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT khẳng định, việc xây dựng và thực hiện “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các đơn vị.