Ra mắt 7 tác phẩm văn học huyền ảo thời kỳ 1930-1945

Nam Long | 31/10/2022, 14:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - 7 tác phẩm thuộc dòng văn học huyền ảo thời kỳ 1930-1945 vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc.

7 tác phẩm bao gồm “Bên đường thiên lôi”, “Ba hồi kinh dị”, “Vàng và máu” của nhà văn Thế Lữ, “Kho vàng Sầm Sơn”, “Thần hổ”, “Ai hát giữa rừng khuya” của nhà văn TchyA, và “Truyện đường rừng” của nhà văn Lan Khai.

Đây là những tác phẩm tiêu biểu cho dòng văn học kỳ ảo, huyền bí với thể tài “đường rừng” thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dòng văn học đã đóng góp những màu sắc phong phú nhất định cho văn học nước nhà.

7-tac-pham.jpg
7 tác phẩm văn học huyền ảo thời kỳ 1930-1945

Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, việc giới thiệu lại những tác phẩm này góp phần khơi gợi tình yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp muôn màu của cảnh vật tự nhiên đất Việt ở bạn đọc trẻ. Bộ tác phẩm ngoài việc là những câu chuyện huyền bí hấp dẫn, còn cung cấp một khối lượng thông tin, kiến thức không nhỏ về ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống của những vùng đất nhất định ở thời kỳ cách đây gần 100 năm, nhất là ở vùng núi phía bắc. Tái bản bộ sách cũng là một cách để lưu giữ, lưu truyền những di sản văn học của một thế hệ nhà văn lừng lẫy từ thế kỷ trước, và biết đâu cũng là những gợi mở để thế hệ người viết trẻ hiện nay có cảm hứng tạo nên những bộ truyện kỳ ảo mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

talk-nxb-kim-dong.jpg
Các diễn giả: Nhà báo Yên Ba, Tiến sĩ Nguyễn Thị Năm Hoàng, nhà văn Di Li tại Book talk.

Nhân dịp ra mắt bộ sách, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tổ chức buổi Book talk "Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua "Truyện đường rừng" và những chuyện khác" với sự tham gia của Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng - Phó trưởng khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà báo Yên Ba (nhà văn, nhà sưu tầm sách, tác giả của cuốn sách trinh thám “Răng Sư Tử”), nhà văn Di Li (nhà văn nữ nổi tiếng với dòng văn học trinh thám kinh dị, tác giả của hơn 20 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, trong đó, có 2 tác phẩm đã được chuyển thể thành phim: “Trại Hoa Đỏ”, “Câu lạc bộ số 7).

Nhận xét về các tác phẩm văn học huyền ảo thời kỳ 1930-1945, TS Nguyễn Thị Năm Hoàng cho rằng mỗi nhà văn một cá tính, nhưng điểm chung là họ đều gợi ra bức tranh về phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất, một thời đại. Nhu cầu tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên đang trở nên thiết yếu, lớp người trẻ cũng đang hướng đến cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và những tác phẩm văn học đường rừng như "chạm đến cái phần nhân bản của chúng ta".

Nếu như Lan Khai sử dụng thủ pháp truyện lồng trong truyện, thì TchyA cung cấp nhiều tư liệu, nhiều triết lý. Còn Thế Lữ đem đến vẻ đẹp văn chương với sự miêu tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng, phơi bày trước mắt độc giả một khung cảnh nên thơ của thiên nhiên, rừng núi rồi mới dẫn dắt độc giả vào chuyến phiêu lưu gay cấn.

Nhà văn Di Li cho rằng ngày nay, để dòng văn học kỳ ảo, kinh dị tiếp tục phát triển ở Việt Nam, các nhà văn cần biết kết hợp yếu tố thời đại, đan cài những giá trị văn hóa vào chứ không thể viết giật gân, giải trí đơn thuần. “ Những câu chuyện kỳ bí vẫn có sức hút lớn đối với độc giả” Nhà văn Di Li khẳng định

Bài liên quan
Ra mắt sách “Phương pháp học tiếng Anh giao tiếp cho người mới bắt đầu”
(GDTĐ) - Trung tâm Anh ngữ Langmaster đã cho ra mắt cuốn sách “Phương pháp học tiếng Anh giao tiếp cho người mới bắt đầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ra mắt 7 tác phẩm văn học huyền ảo thời kỳ 1930-1945