Hiện tại anh Sèo ở nhà làm nông, thời gian không vướng mùa vụ anh sẽ nhận làm thuê mướn để có thêm "đồng ra đồng vào" nuôi 3 con nhỏ. Điều anh trăn trở chính là việc đào tạo cử tuyển rồi không tuyển dụng sẽ gây lãng phí kinh phí nhà nước. Người học cũng mòn mỏi chờ đợi, rồi lại đằng đẵng thất vọng.
Cần có cơ chế đặc thù trong bố trí việc làm cho sinh viên diện cử tuyển
Liên quan đến câu chuyện sinh viên cử tuyển không được bố trí việc làm, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh, (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Theo bà, với chính sách tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, hiện nay việc bố trí việc làm cho đối tượng này sau khi đào tạo xong hết sức khó khăn.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: NVCC)
Đồng thời, do công tác lập kế hoạch, dự báo, phân tích nhu cầu nhân lực của các địa phương chưa thực sự hợp lý khi cử người đi học. Từ đó xảy ra tình trạng sau khi sinh viên cử tuyển ra trường không còn vị trí trống để sắp xếp, bố trí phù hợp. "Thậm chí, ngay tại thời điểm cử người đi học, địa phương cũng không thể hình dung sau 4-5 năm, cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi như thế nào", bà nói.
Ngoài ra, tình trạng người học cử tuyển thất nghiệp cũng có thể do một số nguyên nhân chủ quan từ phía người học. Thực tế, có tình trạng người học sau khi tốt nghiệp muốn “kén chọn” ví trí việc làm, tức là, có thể cảm thấy vị trí chưa thực sự phù hợp với chuyên môn.
Đại biểu Tú Anh nêu ví dụ, một người học Luật sẽ có suy nghĩ phải được bố trí việc làm tại tòa án, viện kiểm sát trong khi đó, với ngành học này vẫn có thể được bố trí vào các vị trí về mặt pháp chế tại các cơ quan.
Mặt khác, cũng có trường hợp, người học kéo dài thời gian quá lâu so với khung đào tạo, cơ quan nhà nước không thể đảm bảo giữ vị trí trống đó để chờ tuyển dụng.
Từ thực tế này, bà Tú Anh đặt vấn đề về trách nhiệm, giải pháp của Ủy ban Dân tộc trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo như trên. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học cần phải thực hiện nghiêm ngặt về kiểm định chất lượng giáo dục, cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo đầu ra.
Ngoài ra, cũng cần có cơ chế đặc thù trong việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm cho đối tượng cử tuyển, nếu người học đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí tại vị trí việc làm nêu ra, có thể thành lập hội đồng để xét đặc cách.
Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) cho rằng, các sở liên quan như Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần có trách nhiệm tham mưu tư vấn cho UBND tỉnh siết chặt việc cử đi học cử tuyển đảm bảo chỉ tiêu sát với nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, theo đại biểu, chất lượng đào tạo chưa thực sự tốt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng sinh viên sau khi ra trường không đảm bảo được yêu cầu công việc thực tế. "Tại tỉnh Điện Biên có trường hợp đã phải trả học phí tới 8 năm cho đối tượng này", bà chia sẻ thêm.