Rèn kỹ năng xã hội giúp trẻ tự tin trong thời đại số

Hà Minh | 14/12/2023, 07:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Trong thời đại 4.0, trẻ có kỹ năng tốt sẽ tự tin hơn và có nhiều cơ hội rộng mở trong tương lai.

ky-nang-xa-hoi-2.jpg
Cần rèn kỹ năng xã hội giúp trẻ tự tin hơn trong thời đại số.

Lợi ích khi trẻ được rèn kỹ năng xã hội từ sớm

Phát triển kỹ năng xã hội sẽ đem đến cho trẻ nhiều lợi ích. Kỹ năng xã hội sẽ giúp tạo lập các mối quan hệ bạn bè vững chắc và tốt đẹp hơn. Trẻ cũng tự tin hơn trong giao tiếp, có thái độ và ứng xử đúng mực, tạo thiện cảm với người xung quanh.

Có kỹ năng xã hội tốt, con dễ thích nghi hơn khi tiếp xúc với môi trường mới lạ. Giảm cảm xúc tiêu cực, giúp trẻ hạnh phúc hơn khi hoà đồng và thấu hiểu người khác.

Khi trẻ ở lứa tuổi mầm non, cha mẹ cần chú ý chuẩn bị cho con các kỹ năng cơ bản để tạo nền tảng cho con phát triển, cụ thể:

Kỹ năng chia sẻ: Bé từ 2 tuổi đã mong muốn có sự chia sẻ với người khác Tuy nhiên, mong muốn này sẽ giảm đi khi trẻ từ 3-6 tuổi. Từ 7 tuổi, trẻ đã nhận thức tốt hơn về sự công bằng và sự chia sẻ. Do đó, cha mẹ cần tận dụng các thời điểm “vàng” để dạy con các bài học về sự chia sẻ. Nếu biết cho đi và nhận lại đúng cách, con không chỉ bồi dưỡng được phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho bản thân mà còn tạo niềm vui, niềm tin tưởng cho người xung quanh.

Kỹ năng biết lắng nghe: Lắng nghe đúng cách không đơn thuần chỉ là việc giữ yên lặng mà còn đòi hỏi sự thấu hiểu những gì đối phương đang nói. Nếu rèn luyện kỹ năng nghe từ sớm, khi đến trường học, trẻ sẽ biết cách lắng nghe và tiếp thu tốt hơn những bài học thầy cô truyền đạt. Trẻ sẽ tập trung hơn và phát huy được khả năng học tập của mình.

Kỹ năng giao tiếp hiệu quả bằng ngôn ngữ: Ngôn ngữ bằng lời nói và ngôn ngữ hình thể giúp tạo ra một bầu không khí chuyện trò tự nhiên, thoải mái và đôi bên cùng được tôn trọng. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp sẽ giúp trẻ tự tin và chủ động hơn, biết làm quen với nhiều bạn mới, đồng thời thích nghi tốt với môi trường xung quanh.

Kỹ năng tuân thủ kỷ luật từ trong môi trường gia đình: Ở lứa tuổi mầm non, trẻ có thể chưa nhận thức được rõ vấn đề kỷ luật. Tuy nhiên, cùng với việc nghe lời bố mẹ và thực hiện những việc cơ bản như sắp xếp đồ đạc đúng chỗ, chào hỏi người lớn… sẽ tạo ra thói quen tuân thủ kỷ luật ở trẻ. Nếu trẻ phân tâm, cư xử không đúng hoặc quên thì cha mẹ nên cho phép trẻ làm lại. Con sẽ tự rút kinh nghiệm và thực hành sửa sai.

Kỹ năng quản lý thời gian: Cha mẹ có thể sắp xếp thời gian biểu cho con như giờ ăn, giờ chơi, giờ ngủ… để tạo lập thói quen tuân thủ thời gian cho bé, giúp con thành công hơn trong tương lai.

Kỹ năng hợp tác giúp đỡ người khác: Giúp trẻ dễ hoà nhập với cộng đồng hơn. Trẻ có thể rèn luyện kỹ năng này bằng cách chơi với bạn cùng lứa tuổi như những trò chơi tập thể. Thông qua các hoạt động này, trẻ không chỉ có dịp phát triển kỹ năng bản thân mà còn có thể tạo lập nhiều mối quan hệ tốt đẹp.

Kỹ năng tôn trọng không gian riêng tư của người khác: Từ các thói quen cụ thể như gõ cửa trước khi vào phòng, không chạm vào lấy đồ vật của người khác khi chưa có sự đồng ý... Người lớn cần giải thích cho trẻ vì sao cần phải làm như vậy. Phát triển kỹ năng này sẽ giúp trẻ trở thành một người lịch sự, hiểu biết và cư xử có chừng mực.

ky-nang-xa-hoi.jpg
Khi trẻ biết giao tiếp sẽ hình thành tính cách tốt.

Gieo thói quen tốt để hình thành tính cách tốt

Để giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, cha mẹ cần có những giải pháp đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi cũng như tính cách của trẻ.

Cha mẹ có thể cùng con đọc sách. Đây là cơ hội để cha mẹ và con cái cùng trao đổi thông tin, thắt chặt thêm tình cảm gia đình. Nếu có thể tranh biện được thì đây cũng là cơ hội để trẻ luyện tập kỹ năng thuyết trình, tranh biện hay kỹ năng diễn đạt thông tin nhằm khẳng định luận điểm của bản thân.

Cha mẹ hãy thường xuyên “gieo thói quen tốt” cho trẻ để giúp trẻ phát triển toàn diện hơn sau này. Với trẻ nhỏ, giáo dục lặp đi lặp lại là cách tốt nhất để con ghi nhớ. Nếu chỉ giảng một lần rồi thôi, trẻ sẽ không thể hiểu và vận dụng được trong cuộc sống. Tốt nhất là cha mẹ hãy kiên nhẫn, tạo lập những thói quen tốt cho con để con có được một tính cách tốt sau này.

Cha mẹ hãy dành nhiều lời khen và khích lệ động viên trẻ. Những lời động viên của cha mẹ là động lực để trẻ cố gắng rèn luyện. Khi trẻ làm tốt, cha mẹ hãy lập tức ghi nhận sự cố gắng của con để trẻ vui vẻ, hứng khởi, tiếp tục thực hiện tốt phần việc của mình.

Cha mẹ cũng cần phải thường xuyên chia sẻ và giải thích về vai trò của kỹ năng xã hội để bé hiểu được vì sao mình cần rèn luyện những bài học này. Khi hiểu được lợi ích cũng như tầm quan trọng của việc rèn luyện, trẻ sẽ vui vẻ tự nguyện học tập.

Hãy dạy trẻ bằng những tình huống cụ thể, thực tế để trẻ hiểu rõ bản chất của vấn đè và biết vận dụng những gì được học vào các trường hợp tương tự. Cha mẹ không nên nói quá nhiều hoặc có cách nói khó hiểu khiến trẻ không thể lĩnh hội được.

Rèn luyện kỹ năng xã hội là cả một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ mà cha mẹ phải đồng hành với con mỗi ngày. Nếu cha mẹ lơ là, sao nhãng, trẻ hoàn toàn có thể bỏ qua thói quen tốt mà một thời gian trước đó đã rèn luyện kĩ càng./.

Bài liên quan
5 kỹ năng xã hội trẻ cần có
(GDTĐ) - Các kỹ năng xã hội sẽ mang lại mối quan hệ bạn bè tốt cho trẻ. Trẻ em sở hữu kỹ năng xã hội tốt có khả năng gặt hái được nhiều thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rèn kỹ năng xã hội giúp trẻ tự tin trong thời đại số