Về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hữu Sơn cho biết, con rồng như mọi người vẫn thường thấy trong biểu tượng văn hóa, về cơ bản là xuất phát từ vùng có nước như biển, sông. Nó không có thực, mà là con vật lai của nhiều loài vật có thực như mình rắn, đầu cá sấu… sau đó được mọi người thần thoại hóa lên thành rồng.
“Nói đơn giản, rồng là con vật được người dân thiêng liêng hóa thành biểu tượng của vương quyền, nên con rồng được chọn là con giáp”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, rồng ở Việt Nam không có một hình mẫu cụ thể mà được biến đổi qua mỗi thời kỳ. Điển hình như rồng thời Lý hiền, giống như con rắn. Đến thời Lê, con rồng phát triển có nanh, có vuốt… Và sau đó đến thời Nguyễn, con rồng còn phát triển mạnh nữa, có nanh, vuốt, râu, sừng, mào, mắt dữ…
Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền cũng cho rằng, rồng nguyên con như hiện nay trong văn hóa không có trong thực tiễn. Nó là sự kết hợp của rất nhiều bộ phận các con vật khác nhau, có sức mạnh khác nhau và hội tụ lại để thành con rồng.
“Rồng là con vật hư cấu của tư duy nhân loại, chứ không phải của bất kỳ nước nào. Người ta chọn rồng là 1 trong 12 con giáp bởi vì, người ta đã chọn nó là vua của tất cả muôn loài. Rồng bản chất là mây trời, là chủ của nguồn sinh lực bầu trời và nó biểu hiện cho quyền uy tối thượng”, GS Biền chia sẻ.