Thay vì 4 năm, nhiều trường đại học tại Việt Nam triển khai chương trình đào tạo cử nhân trong 3 đến 3,5 năm.
Động thái này mang đến nhiều lợi ích song cũng không ít thách thức đối với nhà trường và sinh viên.
Chỉ mất 3 năm để nhận bằng cử nhân, PGS.TS Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam (Hà Nội) cho hay, áp dụng chương trình đào tạo rút ngắn, sinh viên được hưởng lợi về thời gian, tài chính, cơ hội việc làm… Theo đó, từ năm 2023, nhà trường rút ngắn thời gian đào tạo khối ngành Kinh tế - Kinh doanh từ 4 năm xuống 3 năm, tổ chức học 3 học kỳ/năm.
Một số ngành thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn của Trường Đại học Đại Nam cũng đào tạo trong 3 năm, gồm: Thiết kế đồ hoạ, Tâm lý học, Luật, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng. Trừ ngành Y khoa, các ngành khác được rút ngắn thời gian từ 0,5 năm đến 1 năm.
“Thời gian đào tạo giảm từ 4 năm xuống 3 năm, 3,5 năm, từ 5 năm xuống 4,5 năm nhưng vẫn đảm bảo thời lượng học tập theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thay vì nghỉ hè dài như chương trình cũ, sinh viên học chương trình đào tạo rút ngắn sẽ nghỉ ít hơn, sau đó ra trường sớm”, PGS.TS Phạm Văn Hồng chia sẻ, đồng thời khẳng định, rút ngắn thời gian đào tạo không phải là “cắt xén” cơ học thời lượng mà sắp xếp lại thời gian, cải cách mạnh mẽ chương trình và nội dung đào tạo để phù hợp hơn với nhu cầu xã hội, nâng cao chuẩn đầu ra.
Ứng dụng công nghệ số vào công tác giảng dạy đạt hiệu quả, sinh viên Trường Đại học Đại Nam học đủ 9 học kỳ (với chương trình 3 năm), 11 học kỳ (với chương trình 3,5 năm), 12 học kỳ (với chương trình 4 năm), 14 học kỳ (với chương trình 4,5 năm) và số lượng tín chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, chương trình đào tạo đại học được thiết kế tối thiểu từ 120 tín chỉ. Nhà trường đảm bảo đào tạo khối lượng tín chỉ trên bằng cách rút ngắn thời gian nghỉ hè, tăng cường độ và đẩy nhanh tiến độ đào tạo học 3 kỳ/năm. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học (3 năm), sinh viên được nhận bằng cử nhân hệ đại học chính quy.
Theo PGS.TS Phạm Văn Hồng, thay vì học 2 học kỳ, sinh viên Trường Đại học Đại Nam học 3 học kỳ/năm giúp tận dụng tối đa thời gian nhàn rỗi cho việc học tập, hình thành được thói quen tự học, tự nghiên cứu… Khi ra trường các em sẽ thích nghi rất nhanh chóng và hiệu quả với môi trường làm việc nhiều cạnh tranh.
Để rút ngắn thời gian đào tạo, Trường Đại học Đại Nam áp dụng chương trình đào tạo dạy và học các kiến thức cốt lõi nhưng tiên tiến, rèn luyện tính tự học cho sinh viên; trải nghiệm tối đa giữa học và hành tại doanh nghiệp, giúp sinh viên dễ dàng nắm bắt kiến thức, có kỹ năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn và có thể làm được việc sau khi ra trường. Đặc biệt, nhà trường từng bước ứng dụng công nghệ để sinh viên có thể học và thi mọi lúc, mọi nơi bằng máy tính và điện thoại thông minh.
Điều chỉnh thời gian đào tạo không chỉ giúp Trường Đại học Đại Nam tiếp cận với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học, mà còn giúp sinh viên được hưởng lợi về nhiều mặt như tiết kiệm chi phí, nhanh chóng tiếp cận với thị trường lao động, tìm được công việc phù hợp… “Sau 2 năm triển khai, chương trình đào tạo 3 năm của trường nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên và trở thành điểm nhấn thu hút thí sinh, phụ huynh trong các mùa tuyển sinh tiếp theo”, PGS.TS Phạm Văn Hồng thông tin.
Cách đây 2 năm, Trường Đại học CMC (Hà Nội) đào tạo tất cả ngành trong 3 năm, gồm Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật điện tử - Viễn thông, Quản trị kinh doanh, Marketing, Thiết kế đồ họa, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật. Nhà trường đưa ra phương châm: “Tốt nghiệp sớm - Trưởng thành sớm - Làm việc nhanh”, thông qua khóa học kéo dài trong 3 năm với 9 học kỳ (mỗi năm 3 học kỳ).
Trường Đại học CMC xây dựng theo mô hình đại học trong lòng doanh nghiệp giúp giải quyết được bài toán “đào tạo lại” khi gia nhập thị trường lao động. Toàn bộ chương trình học có tính hàn lâm nhưng vẫn gắn liền với doanh nghiệp. Trong quá trình đào tạo, sinh viên thực tập một học kỳ tại doanh nghiệp dưới hình thức đào tạo tại chỗ, tham gia công việc thực tế và nhận lương theo nhiệm vụ được giao. Việc trường giảm thời gian học lý thuyết, tăng cường thời lượng học và thực hành ngay tại doanh nghiệp nhằm giúp sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng như khả năng giải quyết vấn đề, tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện, sáng tạo.
Thay vì học cử nhân 4 năm như trước, từ năm 2017, Trường Đại học Gia Định (TP Hồ Chí Minh) thiết kế chương trình học chỉ trong 3 năm. TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông cho hay, 4 lứa sinh viên tốt nghiệp theo chương trình đào tạo này. Hiện, 53 ngành và chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế - quản trị, khoa học xã hội - ngôn ngữ, truyền thông số của trường đều học trong 3 năm.
“Chương trình đào tạo đại học trong 3 năm mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sinh viên”, TS Mai Đức Toàn chia sẻ. Trước hết, rút ngắn thời gian học tập giúp sinh viên tiết kiệm chi phí học phí và sinh hoạt. Đồng thời, sinh viên có thể sớm gia nhập thị trường lao động, tích lũy kinh nghiệm và phát triển sự nghiệp.
Theo TS Mai Đức Toàn, thời lượng giảm từ 4 năm xuống còn 3 năm nhưng thời gian đào tạo không đổi, vẫn đảm bảo 8 học kỳ với 120 tín chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Sinh viên được học đầy đủ môn từ đại cương đến cơ sở ngành, chuyên ngành, thực tập nghề nghiệp và tốt nghiệp. “Tuy nhiên, thay vì nghỉ hè, nghỉ Tết dài như chương trình 4 năm, sinh viên học 3 năm nghỉ ngắn hơn; đồng thời, tăng cường độ và đẩy nhanh tiến độ đào tạo học 3 kỳ/1 năm”, TS Mai Đức Toàn nhấn mạnh.
Mặc dù chương trình đào tạo đại học trong 3 năm mang lại nhiều lợi ích, nhưng TS Mai Đức Toàn cho rằng, không ít thách thức cần giải quyết. Sinh viên sẽ phải đối diện với áp lực học tập lớn hơn, cường độ học tập cao và hạn chế thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa. Cùng với đó, giảng viên cũng phải “căng mình” lên lớp nhằm bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng đào tạo.
Nếu học và đào tạo theo hệ thống tín chỉ, sinh viên có thể nhận bằng cử nhân trong 3 đến 3,5 năm, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận. Tuy nhiên, ông lưu ý, cơ sở giáo dục đại học phải thiết kế lại chương trình đào tạo bảo đảm chuẩn đầu ra. Đặc biệt, các trường vẫn phải lấy chất lượng làm nòng cốt và là sợi dây xuyên suốt, tránh “ăn xổi” làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu; đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động.
Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng phê duyệt tháng 10/2016, chương trình đào tạo đại học trong 3 đến 5 năm học tập trung, giảm so với mức 4 đến 6 năm theo quy định từ năm 1993. Còn theo thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo của giáo dục đại học, khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể đối với chương trình đào tạo đại học là 120 tín chỉ.