Theo hãng tin RIA Novosti, Danone tìm cách giữ quyền mua lại cổ phần trong hoạt động kinh doanh ở Nga và nắm giữ cổ phần lên tới 25% vốn, cũng như một vị trí trong hội đồng quản trị. Hồi tháng 2-2023, công ty này chọn được khoảng 20 bên mua. Đến tháng 6, có thông tin cho rằng thỏa thuận sẽ không hoàn tất trước nửa đầu năm 2024 do Danone đang trì hoãn tiến trình này.
Hôm 16-7, Danone cho biết họ đã nắm được thông tin về sắc lệnh và đang nghiên cứu tình hình. Danone cũng lưu ý rằng quyết định của Moscow sẽ không ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính của họ trong năm 2023.
Cùng ngày, Tập đoàn Carlsberg cho biết họ không được nhà chức trách Nga thông báo về sắc lệnh của tổng thống. Trước đó, Carlsberg hồi tháng 3 tuyên bố ngừng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh ở Nga.
Đến tháng 6, họ cho biết đạt được thỏa thuận bán tài sản ở Nga cho một bên mua giấu tên với số tiền không được tiết lộ. Carlsberg không công bố chi tiết thỏa thuận, lấy lý do muốn bảo đảm tiến trình phê chuẩn diễn ra suôn sẻ.
Nga có động thái trên không lâu sau khi tờ Financial Times (Anh) hồi tháng 6 cho biết Điện Kremlin đã thảo luận về các biện pháp quốc hữu hóa mạnh mẽ hơn để trừng phạt Mỹ và các nước châu Âu thu giữ tài sản của Nga ở nước ngoài.
Ngoài ra, theo nhật báo Vedomosti (Nga) hôm 14-7, Moscow đã soạn thảo một danh sách yêu cầu gồm 10 điểm có thể làm phức tạp thêm tiến trình doanh nghiệp nước ngoài rời đi và khả năng họ quay trở lại Nga. Một nguồn tin giấu tên cho biết các công ty nước ngoài phải hiểu "họ sẽ mất những gì" khi rút khỏi Nga.
Kể từ tháng 12-2022, Moscow đã buộc các công ty nước ngoài bán tài sản cho bên mua ở Nga với mức chiết khấu 50% và tính phí rút vốn là ít nhất 10% giá trị giao dịch.
Gần đây, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Nga quyết định nếu một công ty thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc công ty mẹ thuộc danh sách các quốc gia "không thân thiện" với Moscow thì số tiền thu được từ việc bán công ty đó cho chủ sở hữu Nga có thể không được chuyển ra nước ngoài.