Lắng nghe ý kiến phụ huynh
Là trường thuộc vùng khó khăn, nhiều học sinh dân tộc thiểu số, cô Hồ Thị Thanh Tuyền, giáo viên Trường Tiểu học Châu Điền A, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, nhận định: Chỉ thị 643 đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.
Với nhiều gia đình học sinh, việc chuẩn bị đủ sách giáo khoa đầu năm học là một vấn đề khó. Vì vậy, bản thân không khuyến khích phụ huynh mua sách tham khảo. Hàng năm, giáo viên sẽ xin sách, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ sách cho học sinh. Nhà trường cũng xây dựng thư viện dùng chung cho học sinh mượn sách.
“Một bộ sách nếu kèm theo sách tham khảo, sách bài tập có thể vượt quá 700.000 đồng. Nếu nhà có đông anh em, phụ huynh sẽ không thể xoay xở được khoản tiền lớn như vậy”, cô Tuyền cho hay.
Có hai con đang học lớp 7 và lớp 10, anh Nguyễn Văn Bình, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết: Kết thúc năm học, gia đình nhận được một danh mục sách cần mua trước thềm năm học mới. Bản thân không rành cuốn nào là sách giáo khoa, cuốn nào là sách bài tập, giá trị sử dụng ra sao nên đăng ký cả bộ với số tiền khá cao.
“Tôi rất mừng vì Chỉ thị mới đã nhấn mạnh việc cấm lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo... Trên cơ sở này, các nhà trường nên lập danh mục sách rõ ràng, tách riêng sách giáo khoa với sách bài tập, sách tham khảo để tránh nhập nhèm. Phụ huynh có thể nói không với các sách không bắt buộc”, anh Bình nhấn mạnh.
Theo anh Bình, trước khi đăng ký mua sách, giáo viên chủ nhiệm cần thông tin đến phụ huynh về từng cuốn sách, thuộc bộ sách nào, giá trị sử dụng ra sao... Từ đó, phụ huynh sẽ chiếu theo nhu cầu, khả năng học tập của con và hoàn cảnh gia đình để đăng ký mua phù hợp.
Đồng tình với quan điểm của anh Bình, chị Phạm Thị Thiên Lý, sống tại quận Tân Bình, TPHCM, cho rằng, các nhà trường nên tổ chức giới thiệu, phân biệt giữa sách bắt buộc và sách tham khảo. Dựa trên nhu cầu, phụ huynh sẽ đăng ký mua sách phù hợp. Điều này cũng giúp việc thực hiện CT GDPT mới thuận lợi do phụ huynh thấy được ưu điểm, có thể duy trì thói quen tận dụng sách cũ.