Sách giáo khoa tiếng Anh giúp học sinh Việt Nam tự tin giao tiếp

Lê Vân (thực hiện)/Báo Tin tức 28/11/2024 09:33

ThS Lương Quỳnh Trang, Bộ môn Phương pháp Giảng dạy, Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cuộc chia sẻ về hành trình biên soạn sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới) với phóng viên báo Tin tức.

Chú thích ảnh
ThS Lương Quỳnh Trang, Bộ môn Phương pháp Giảng dạy, Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội trong chương trình giới thiệu sách giáo khoa tiếng Anh lớp 8. Ảnh: NVCC

Thưa ThS Lương Quỳnh Trang, trong hành trình 5 năm biên soạn SGKtiếng Anh cho chương trình mới, đội ngũ biên soạn đã vượt qua những thách thức, khó khăn gì?

Yêu cầu của SGK tiếng Anh cho chương trình mới là phải có sự hệ thống, liên kết từ lớp 1 đến lớp 12. Trong khi tiếng Anh là môn học rất đặc trưng; ngoài độ chính xác về mặt kiến thức, chúng tôi còn phải đảm bảo độ chính xác và tự nhiên về mặt ngôn ngữ.

Trong hành trình biên soạn, đội ngũ tác giả đã nhận được sự đồng hành từ phía Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, với nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức các hội thảo về vấn đề này; Kết nối với NXB Macmillan (đối với cấp tiểu học) và Pearson (đối với cấp THCS và THPT) - những đơn vị xuất bản hàng đầu thế giới về tiếng Anh, để hỗ trợ chúng tôi.

Ths Lương Quỳnh Trang là tác giả sách tiếng Anh lớp 1, 2, 6, 7, 8, 9. Chủ biên sách giáo khoa tiếng Anh lớp 2, 8, 9 Global success, bộ sách Kết nối tri thức.

Chẳng hạn, với những nội dung được chúng tôi đưa ra, phía các NXB nước ngoài, bên cạnh việc góp ý về hoạt động, còn giúp biên tập về ngôn ngữ, theo hướng làm thế nào để đưa vào sách kiến thức tiếng Anh chuẩn xác nhất, với độ tự nhiên về ngôn ngữ nhất. Điều này cũng cho thấy sự năng động của NXB Giáo dục Việt Nam khi kết nối với các tập đoàn xuất bản sách tiên tiến trên thế giới.

Thách thức thứ hai mà chúng tôi phải vượt qua là thời gian làm sách cũng trùng với thời gian bùng phát đại dịch COVID-19. Chúng tôi rất lo lắng về việc kết nối thống nhất với đội ngũ làm sách miền Trung, miền Nam, đảm bảo kế hoạch ra sách. Tuy nhiên, với sự tạo điều kiện của NXB Giáo dục Việt Nam trong việc liên tục tổ chức các cuộc họp trực tuyến để kết nối chung tôi; đồng thời tổ chức những cuộc họp về kế hoạch bồi dưỡng, để truyền tải nội chung chương trình, SGK cho các thầy cô giáo và học sinh... nên chúng tôi cũng đã vượt qua khó khăn này để hoàn thành việc biên soạn đúng tiến độ.

Trong chặng đường vừa qua, thử thách nào giúp chị vượt qua giới hạn của bản thân và khiến chị tự hào nhất, góp phần làm nên thành công của những bộ sách tiếng Anh với vai trò chủ biên?

Chặng đường làm sách giáo khoa tiếng Anh đã đặt ra những khó khăn, thử thách với cả nhóm, cũng như bản thân tôi. Ví dụ như với vai trò là chủ biên, cần làm thế nào để phân phối lượng kiến thức và kĩ năng yêu cầu trong chương trình vào các bài học trong sách một cách hài hòa nhất, hay làm thế nào để điều phối công việc trong nhóm tác giả hiệu quả nhất?

Với vai trò là tác giả, tôi cũng gặp một số thách thức như biên soạn các hoạt động sao cho thú vị mà vẫn hiệu quả, để giúp các em học sinh lĩnh hội và thực hành tiếng Anh tốt nhất. Nhưng điều luôn khích lệ tôi và giúp tôi vượt qua mọi thách thức, đó là được làm việc và học hỏi từ thầy Tổng chủ biên và đội ngũ tác giả là các thầy giáo, cô giáo- chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngoại ngữ. Đặc biệt, đội ngũ các NXB tiên tiến trên thế giới đã giúp đỡ chúng tôi biên soạn thành công bộ sách này. Qua quá trình làm việc, tôi cũng học hỏi được tinh thần của đội ngũ làm sách NXB Giáo dục Việt Nam, là luôn hướng tới chất lượng cao nhất của bộ sách.

Ngoài ra, NXB Giáo dục Việt Nam cũng luôn cố gắng hỗ trợ giáo viên và học sinh ở mức tốt nhất. Chẳng hạn, với những nhà trường lựa chọn bộ sách, các thầy cô giáo sẽ được tặng một bộ sách giáo khoa đầy đủ, gồm sách giáo viên, sách học sinh và sách bài tập, cũng như tài khoản để truy cập và sử dụng các học liệu điện tử.

Chú thích ảnh
Ths Lương Quỳnh Trang trong buổi tập huấn sách giáo khoa tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Thưa chị, sự khác biệt lớn nhất của SGK tiếng Anh theo Chương trình mới so với Chương trình cũ là gì? Với SGK tiếng Anh mới, giáo viên, học sinh đã có những thay đổi tích cực như thế nào để đáp ứng được xu hướng của thời đại?

SGK tiếng Anh theo Chương trình mới có nhiều khác biệt so với Chương trình cũ. Sự khác biệt rõ nhất là SGK Chương trình mới được thiết kế giúp học sinh giao tiếp tốt thông qua 4 kỹ năng. SGK tiếng Anh Chương trình mới không chỉ tập trung vào từ vựng, ngữ pháp hay kỹ năng đọc như trước kia, mà chúng tôi hướng học sinh đến khả năng giao tiếp tự tin.

Song song với đó, giúp các em học sinh phát triển các kỹ năng học tập của thế kỷ 21. Đó là cách hợp tác làm việc theo cặp, theo nhóm để thực hiện dự án học tập; phát triển kỹ năng giao tiếp; cùng nhau giải quyết vấn đề thông qua việc tìm kiếm và xử lí thông tin. Nhằm tối ưu hóa việc sử dụng bộ sách trong thời đại công nghệ số, NXB Giáo dục Việt Nam đã xây dựng trang web: hoclieu.vn.

Tại đây, bên cạnh các học liệu từ SGK được đưa lên, còn có nhiều công cụ hỗ trợ thầy cô giảng dạy hiệu quả, học sinh tiếp cận tài liệu một cách tốt nhất. Trên trang hoclieu.vn, các thầy cô sẽ tìm thấy SGK điện tử, bài giảng điện tử, slide điện tử, bài kiểm tra đánh giá tương ứng với lớp mà các thầy cô giảng dạy. Giáo viên còn có thể tạo những lớp học trực tuyến trên hoclieu.vn. Nhờ đó, học sinh được tiếp cận nguồn học liệu phong phú, trong khi thầy cô giảm tải rất nhiều trong công việc của mình. Có thể thấy, khi sử dụng công cụ này, kỹ năng công nghệ thông tin của giáo viên, học sinh ngày một thành thục.

Mới đây, Kết luận 91 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Vậy theo chị, vai trò của đội ngũ làm SGK tiếng Anh, tập huấn đội ngũ giáo viên trong thời gian tới cần làm gì để triển khai thành công Nghị quyết này?

Đây là định hướng tốt, giúp học sinh Việt Nam trở thành công dân toàn cầu, bởi tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất. Đội ngũ tác giả trước hết cần thảo luận và nghiên cứu kĩ, bởi khi đưa tiếng Anh trở thảnh ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, sẽ có những thách thức đối với cả giáo viên, học sinh và người làm sách.

Chúng tôi mong muốn các nhà hoạch định chính sách giáo dục sớm có các hướng dẫn triển khai nghị quyết này, để đội ngũ tác giả có thể nghiên cứu, phát triển các học liệu môn tiếng Anh, cũng như các môn học khác, đưa vào nhà trường. Tất nhiên, chúng ta cần có lộ trình rõ ràng và phù hợp để đưa Nghị quyết vào thực tế.

Tôi nghĩ rằng NXB Giáo dục Việt Nam cũng có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ đội ngũ chuyên gia, tác giả trong quá trình này.

Xin cảm ơn ThS Lương Quỳnh Trang!

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-tieng-anh-giup-hoc-sinh-viet-nam-tu-tin-giao-tiep-20241202081215459.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-tieng-anh-giup-hoc-sinh-viet-nam-tu-tin-giao-tiep-20241202081215459.htm
Bài liên quan
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị về việc thống nhất một bộ sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc sách giáo khoa thường xuyên thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách giáo khoa tiếng Anh giúp học sinh Việt Nam tự tin giao tiếp