Sách Ngữ văn lớp 10 giúp trò rời xa văn mẫu

Nguyễn Dịu | 27/08/2022, 06:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Sách Ngữ văn lớp 10 Chương trình GDPT 2018 triển khai cho năm học mới được đánh giá là khắc phục tình trạng học sinh phụ thuộc vào bài văn mẫu.

Đánh giá về SGK Ngữ văn lớp 10 mới, cô Vũ Thanh Thuỷ, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Kiến An (quận Kiến An, TP Hải Phòng) cho rằng, Chương trình GDPT 2018 đã đáp ứng các yêu cầu xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, đảm bảo chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.

Chương trình môn Ngữ văn mới giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học thông qua hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản về văn học, tiếng Việt, đặc biệt chú trọng các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; lấy các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp.

Ở bậc THPT, bậc học cuối gắn với Giáo dục hướng nghiệp, môn Ngữ văn đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực văn học, nhất là tiếp nhận văn bản văn học. Đồng thời tăng cường kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về chủ đề và kĩ thuật viết.

SGK mới có thêm các văn bản mới, điều này cũng tạo nên cơ hội đối với các thầy cô, đòi hỏi các thầy cô phải không ngừng nỗ lực sáng tạo để vượt lên chính giới hạn của bản thân. Kết hợp với việc đổi mới kiểm tra đánh giá của Bộ GD&ĐT trong các năm tới, cô Thuỷ tin rằng sẽ không có hiện tượng học tủ môn Ngữ văn.

Để giúp trò học tốt môn Ngữ văn theo chương trình mới, theo cô Thuỷ, đầu tiên giáo viên phải nắm chắc quan điểm đổi mới chương trình và những yêu cầu đổi mới đặt ra cho bộ môn, thì mới có thể thực hiện tốt bộ sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó tính chất đổi mới của chương trình còn đòi hỏi giáo viên bộ môn phải đổi mới cách dạy, chú trọng rèn luyện kiến thức và kĩ năng cho học sinh.

“Thực ra yêu cầu đổi mới cách dạy không phải đến bây giờ mới đặt ra trong giáo dục. Nhiều năm qua, các thầy cô đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy. Kết hợp với đổi mới chương trình SGK là bước hoàn thiện cuối cùng về công cuộc đổi mới của Bộ GD&ĐT”, cô Thuỷ thẳng thắn.

Với chương trình SGK mới, việc truyền thụ kiến thức một chiều, việc đọc - chép văn mẫu đã không còn tồn tại trong môi trường giáo dục THPT. Ở cấp học này các em đã được chủ động trong tiếp nhận, tự tìm tòi khám phá và nói lên suy nghĩ cảm nhận của riêng mình. Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tiếp thêm động lực để các thầy cô và các em học sinh tiếp tục phát huy những phẩm chất năng lực cá nhân. Chắc chắn việc dạy học đọc - chép văn mẫu sẽ không còn chỗ đứng trong giáo dục phổ thông nhất là kết hợp với việc đổi mới kiểm tra đánh giá của Bộ. Cô Thuỷ đánh giá, việc Bộ sẽ không ra đề thi trong các văn bản có trong SGK cũng là một gợi ý tích cực, một đổi mới đáng có trong thi cử hiện nay.

Cô Thuỷ chia sẻ: Bản chất của văn học là phản ánh hiện thực cuộc sống, nên đương nhiên văn học phải gắn liền với đời sống con người. Chương trình phổ thông mới và bộ môn Ngữ văn mới cũng đã được xây dựng theo tiêu chí này. Bộ sách giáo khoa mới đã rất chú trọng đến việc rèn luyện kĩ năng cho học sinh. Các em sẽ chủ động nói lên tiếng nói, cách nhìn cuộc sống của riêng mình. Đây là cơ sở đầu tiên của thực tiễn. Sau 3 năm, học trò có thể tự tin tạo lập các văn bản theo những yêu cầu khác nhau. Các em có thể tự tin nói lên quan điểm và bảo vệ quan điểm của mình, đó là lúc cuộc sống đã được vận hành trong văn chương và con người hiện đại.

Cùng quan điểm trên, cô Đặng Quỳnh Nga, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Thái Phiên (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) nhận định, chương trình mới giúp học sinh nâng cao năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học; tăng cường kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn. Nội dung SGK trang bị một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết về văn học, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, nhân cách để học sinh trở thành người công dân có trách nhiệm.

SGK mới tổ chức nội dung theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các năng lực cần đạt được. Để học tốt, thầy trò cần tránh lối học thụ động, đọc chép, tiếp cận chương trình dựa trên việc phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Do chương trình tổ chức theo trục kĩ năng nên sẽ tránh được lối truyền thụ một chiều, đọc chép văn mẫu, phát huy được sự chủ động của trò.

Cô Dung cho biết thêm: Dạy học theo Chương trình mới là cách tiếp cận văn bản mới mẻ, hiện đại và khắc phục được tình trạng học sinh học văn theo bài mẫu. Bởi quá trình kiểm tra đánh giá không chỉ đơn giản là quá trình viết bài, nó là cả quá trình đánh giá tổng thể qua nhiều khâu của quá trình tiếp nhận tác phẩm mới: Tìm hiểu soạn bài, chuẩn bị bài; trình bày kiến thức tự tìm hiểu; viết thu hoạch sau khi học xong tác phẩm. Đối với bài viết nghị luận văn học cũng đòi hỏi người học có những đánh giá, cảm thụ riêng về một khía cạnh của nội dung hoặc nghệ thuật tác phẩm. Các em hiểu thực sự, viết bằng rung cảm chứ không phải học thuộc theo văn mẫu.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giup-tro-roi-xa-van-mau-post604292.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giup-tro-roi-xa-van-mau-post604292.html
Bài liên quan
Văn mẫu "triệt tiêu” sáng tạo của học sinh
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc - tác giả một số cuốn sách: Cùng con qua các kỳ thi; Tư vấn tuyển sinh vào 10; Làm sao chống sự thoái hóa văn hóa đọc... đã trao đổi về văn mẫu trong dạy và học văn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách Ngữ văn lớp 10 giúp trò rời xa văn mẫu