Tuy nhiên, qua giám sát tại tỉnh, đại biểu thấy rằng, tỉnh đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai. Cụ thể, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo, tập trung triển khai các công việc với tinh thần “cả nước vì Đồng Nai, Đồng Nai vì cả nước”; không có vùng cấm trong việc xử lý các vi phạm trong quá trình thực hiện dự án.
Cũng theo ông Thống, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện biệt phái 113 lượt cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh để tăng cường cho UBND huyện Long Thành thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường của dự án. Đến nay, tiến độ của dự án đạt gần 98,7%.
Vì vậy, đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng, việc thu hồi phần diện tích còn lại “không ảnh hưởng đến tiến độ” thực hiện giai đoạn 1 của dự án và chủ yếu việc xin kéo dài thời gian dự án là để hoàn thành các cấu phần xây dựng.
Nhân sự chủ chốt có nhiều thay đổi
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, đối với các dự án lớn trước nay, không có dự án nào là không chậm tiến độ. Đại biểu bày tỏ nhất trí với đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công đến năm 2024. Bởi thời gian kéo dài như vậy cũng không ảnh hưởng gì đến tiến độ giai đoạn 1 của dự án.
"Đối với các dự án tương tự, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc về thẩm quyền, hoặc nếu thực sự phải thực hiện Nghị quyết Quốc hội đối với các dự án như thế này thì Quốc hội nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét", đại biểu Huân nêu.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…
Qua các góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Về giải pháp triển khai, xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trưởng cho biết, Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. Nếu bị chậm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.