Các trường học ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã sẵn sàng nhiều phương án hỗ trợ… giúp học sinh vững tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng.
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (Đắk Lắk) có 175 học sinh lớp 12. Thầy Hiệu trưởng Bùi Xuân Lễ cho biết, qua các đợt kiểm tra, đánh giá, thi thử theo đề minh họa của Bộ, nhà trường đã phân loại học sinh theo nhóm yếu, trung bình và khá giỏi. Trường xác định đây là hoạt động chuyên môn quan trọng vì vậy đòi hỏi giáo viên đánh giá đúng để có phương pháp dạy học phù hợp, tránh lãng phí thời gian, công sức của thầy và trò.
“Mục đích cuối cùng là cung cấp cho các em mạch kiến thức, kỹ năng từng bộ môn còn thiếu, đang cần chứ không phải giáo viên có gì dạy đó. Đối với nhóm học sinh yếu, giáo viên củng cố kiến thức cơ bản nhất bởi dạy cao hơn các em cũng không tiếp thu được. Nhóm trung bình, tập trung nâng cao kỹ năng làm những phần còn hạn chế của mỗi môn. Với học sinh học lực khá giỏi sẽ được bồi dưỡng, tăng cường kỹ năng, kỹ xảo trong làm bài, giúp nâng cao phổ điểm”, thầy Lễ phân tích và cho hay:
Năng lực mỗi thế hệ học sinh khác nhau, việc ôn tập mỗi năm một khác, không thể áp dụng một phương pháp, công thức cho nhiều năm. Quá trình dạy học, thầy cô sàng lọc kỹ, những em thuộc diện nguy cơ điểm liệt để có giải pháp riêng. Muốn làm được điều này cần sự nỗ lực từ 2 phía thầy và trò.
Tương tự, Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị với 100% học sinh người Vân Kiều, Pa Kô cũng tiến hành phân loại để ôn tập đúng trọng tâm, nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp.
Cô Trần Thị Ngọc Diệp – giáo viên tiếng Anh chia sẻ, bên cạnh ôn tập theo đề minh họa, thời điểm này, giáo viên tập trung bổ sung những kiến thức còn hổng cho học sinh. “Quá trình dạy học tôi nhận thấy, các em thể hiện được tinh thần tự giác, ý thức học tập tốt; tuy nhiên, khả năng tiếp thu ngoại ngữ tại trường còn hạn chế, vốn từ vựng chưa phong phú.
Vì vậy, từ nay đến lúc thi, tôi cố gắng hướng dẫn các em ôn tập thêm đề thi minh họa, phát triển một số nội dung. Quá trình ôn tập, khi phát hiện học sinh yếu nội dung nào sẽ tiếp tục bổ trợ...”, cô Diệp cho hay.
Ở môn Toán, nhờ tiếp xúc với học sinh hằng ngày nên cô Lê Thị Thúy nhận biết được năng lực mỗi em. “Trong quá trình dạy học, tôi cố gắng bám sát, hiểu rõ năng lực từng em để phụ đạo kịp thời. Ngoài ra, nhờ phân luồng, phân nhóm, chú trọng từng đối tượng nên việc ôn tập hiệu quả hơn”, cô Thúy nói.
Chia sẻ về quá trình ôn tập, thầy Nguyễn Thế Long - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị khẳng định, xác định đúng năng lực học sinh để phân luồng, nhóm ôn tập, bổ trợ, củng cố kiến thức là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng. Đây là chìa khóa để nhà trường nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp, phổ điểm từng bộ môn.
Giáo viên Đắk Lắk hướng dẫn học sinh chọn tài liệu ôn tập bộ môn Ngữ văn. Ảnh: Thành Tâm |
Hơn 20 năm dạy học và làm giám khảo chấm thi tốt nghiệp THPT môn Toán, thầy Phan Bá Lê Hiền - Trường THPT Lê Duẩn (Đắk Lắk) cho rằng, điểm yếu của học sinh miền núi, dân tộc thiểu số là áp lực tâm lý quá lớn dẫn đến kỹ năng làm bài hạn chế.
Để giải tỏa áp lực cho sĩ tử, cụm chuyên môn số 6 (Sở GD&ĐT Đắk Lắk) đã tổ chức 2 đợt thi thử cho học sinh khối 12 của 6 trường THPT. “Chúng ta phân luồng ôn tập tốt, nhưng phải để các em thử lửa, đặt mình vào kỳ thi thật sự. Sở cũng như cụm 6 xác định, thi thử phải như thi thật, từ khâu ra đề, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố điểm”, thầy Hiền nói.
Thầy Bùi Quang Định - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Đắk Lắk) cũng đồng tình, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ quan trọng nhất để đánh giá chất lượng dạy học, giáo dục đối với nhà trường. Qua mỗi kỳ thi, học sinh có cơ hội tập dượt, rèn luyện các kỹ năng chuẩn bị tâm lý tạo đà cho kỳ thi chính thức. Kết quả kỳ thi thử cũng là thử nghiệm để cán bộ, giáo viên nhà trường đánh giá lại công tác dạy học, điều chỉnh phương pháp ôn tập hiệu quả, nâng cao kết quả của học sinh.
Cô giáo Kim Chung, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Đắk Lắk) đến nhà vận động học sinh. Ảnh: NTCC |
Theo thầy Định, là đơn vị mới thành lập ở vùng sâu, giáp ranh 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, thầy cô thấu hiểu những nỗ lực vượt khó khăn để đến trường của học sinh.
“Đỗ tốt nghiệp THPT là ước mơ, động lực của các em, niềm tự hào của gia gia đình, buôn làng. Vì vậy, những năm qua, thầy và trò luôn sát cánh bên nhau trong dạy - học và hoạt động giáo dục. Kết quả, 3 năm học gần đây, chỉ 1 em trượt tốt nghiệp (năm 2023). Đó là điều chúng tôi trăn trở và rút kinh nghiệm sâu sắc”, thầy Định tâm sự.
Không riêng ngành Giáo dục Đắk Lắk, thi thử cũng là bước tạo đà được nhiều trường THPT tại Quảng Trị áp dụng giúp học sinh lớp 12 làm quen các dạng đề thi, rèn luyện cách làm bài.
“Nhà trường tổ chức nhiều đợt thi thử tốt nghiệp cho học sinh khối 12, hình thức giống kỳ thi chính thức. Kết quả thi thử dùng làm cơ sở đánh giá chất lượng và rút kinh nghiệm ôn tập”, cô Lê Thị Thúy - Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị thông tin.
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Đắk Lắk) tổ chức ôn tập cho học sinh. Ảnh: Thành Tâm |
Trường THPT A Túc (Quảng Trị) đã ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai công tác ôn tập đối với học sinh lớp 12. Việc ôn tập trải qua 3 giai đoạn, thời gian này là giai đoạn tăng tốc ôn tập để học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi.
Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tửu, sau phần ôn tập trung với tất cả học sinh khối 12, nhà trường phân loại các em có nguy cơ trượt tốt nghiệp để tổ chức ôn tập riêng. Qua đó, giáo viên kèm từng em để củng cố vững chắc kiến thức cơ bản. Với môn Toán, Tiếng Anh, nhà trường đặt chỉ tiêu phù hợp, mục tiêu trước hết là giúp học sinh vượt qua điểm liệt. Đến giữa tháng 6 sẽ tổ chức thi thử để đánh giá chất lượng.
“Học sinh của nhà trường chủ yếu vùng dân tộc thiểu số, chất lượng đầu vào thấp nên chú trọng ôn thi phù hợp với từng nhóm và tập trung những nội dung trọng tâm, sát thực, phù hợp. Nhà trường không đặt tiêu chí quá cao mà cố gắng ôn tập từng bước chắc chắn. Nhờ đó, 3 năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp của Trường THPT A Túc luôn ổn định”, thầy Nguyễn Tửu cho hay.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT A Túc, quá trình học, tâm lý học sinh là yếu tố quan trọng. Giáo viên cần tiếp cận và khuyến khích các em trong cả quá trình học tập và ôn tập. Giáo viên phải đồng hành, tận tình chia sẻ, giúp đỡ học sinh thì mới phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, cô Phan Thị Như Ý – giáo viên môn Ngữ văn (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Đắk Lắk) giúp học sinh “lấy lại” kiến thức cơ bản bộ môn theo 4 bước: Hướng dẫn đọc hiểu, cách tra tài liệu, luyện viết; mô hình hóa kiến thức, kỹ năng thông qua viết 1 đoạn văn; thực hành nói, viết liên tục, kết hợp sửa bài chi tiết; tăng dần yêu cầu về kỹ năng, tính sáng tạo trong việc thực hành môn học...
“Để áp dụng 4 bước này đòi hỏi giáo viên phải hiểu thật rõ đối tượng, kiên trì nhẫn nại, áp dụng thường xuyên, linh hoạt. Tin và làm cho học sinh tin rằng mình sẽ chinh phục được môn học”, cô Ý chia sẻ.
Không chỉ giúp học sinh ôn tập hiệu quả ở trường, cô Kim Chung – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Đắk Lắk) còn làm tốt công tác “dân vận”. Năm học 2022 - 2023, cô Chung vận động 2 em vì khó khăn, nhà ở xa có ý định nghỉ học, quay lại ôn tập và đều đỗ tốt nghiệp.
Năm nay, cô tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho con đến lớp. Gia đình nào không liên lạc được, cô Chung nhờ đại diện thôn, buôn hỗ trợ, đến nay 100% học sinh đều cam kết ôn tập và dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Đồng hành với học sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là hoạt động lớn của Đoàn Thanh niên Trường THPT Đakrông (Quảng Trị). Thầy Nguyễn Phương Nam - Bí thư Đoàn cho biết, hơn 80% học sinh là con em đồng bào Pa Kô, Vân Kiều theo học. Hằng năm, Đoàn trường kêu gọi, vận động tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ các em trước, trong và sau kỳ thi. Năm nay, Đoàn trường chuyển hướng tiếp sức mùa thi sớm hơn, trước kỳ thi diễn ra bởi xác định đây là giai đoạn rất quan trọng.
“Vừa qua, Đoàn trường đã vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực để hỗ trợ học sinh tài liệu ôn thi, phương tiện phục vụ học và thi như: Át-lát địa lý, máy tính... Đến nay, đã trao tặng hơn 80 cuốn Át-lát địa lý và triển khai chương trình máy tính mượn cho gần 30 học sinh lớp 12 để ôn và thi tốt nghiệp. Trước đó, Đoàn Thanh niên cũng vận động và trao 14 triệu đồng cho 7 lớp khối 12 để photo tài liệu ôn tập chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT”, thầy Nam thông tin.
Ngoài ra, Đoàn trường khởi động chương trình “Tiếp sức trước mùa thi” năm 2024 với nhiều hoạt động thiết thực như: Trao học bổng tiếp sức đến trường; tổ chức diễn đàn chia sẻ phương pháp học, ôn thi... Tiếp nối chương trình “Tiếp sức đến trường” như các năm, khi kỳ thi diễn ra, Đoàn trường tổ chức đoàn viên đưa đón thí sinh ở xa, hỗ trợ nơi ăn ngủ, suất ăn miễn phí...
“Dự kiến, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Đắk Lắk có 20.334 thí sinh đang học lớp 12 (năm học 2023 - 2024) đăng ký dự thi. Trong đó, học sinh THPT là 18.957 và học viên tại các Trung tâm GDTX, GDNN - GDTX là 1.377. Toàn tỉnh bố trí 18 điểm tiếp nhận thí sinh tự do. Tinh thần chung, không để học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không dự thi”, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk thông tin.