Cha mẹ đồng hành vượt “vũ môn”
Sự đồng hành của cha mẹ với con cái về tâm lý, tinh thần trước trong và sau kỳ thi vô cùng cần thiết và không thể xem nhẹ. Thiếu đi sự quan tâm này là học sinh thiếu đi sự động viên, chia sẻ, thấu hiểu để ổn định tâm lý, vững vàng với thi cử và kết quả sau thi.
TS Vũ Việt Anh lưu ý, khi bố mẹ thấy những biểu hiện bất thường của con như thường xuyên trong tình trạng lơ mơ, hay cáu gắt, lo âu, nghiêm trọng hơn có biểu hiện loạn thần nói năng lung tung, dễ khóc, dễ cười, hoảng sợ, ngại tiếp xúc với mọi người... thì cần động viên, quan tâm, khích lệ con, đưa con đi khám thay vì chỉ trích, trách mắng. Giai đoạn này cha mẹ cần đặc biệt gần gũi, chia sẻ, đồng hành cùng con.
Quá trình ôn tập và sau thi cử cha mẹ có thể cùng con tham gia những hoat động chung, cùng con chơi một môn thể thao, đi du lịch dã ngoại tìm hiểu cuộc sống xung quanh, kiếm cho con một việc làm thêm, tổ chức một chương trình thiện nguyện... Đây chính là cách chuyển hóa sự tập trung tâm lý sang một hướng tích cực, tốt đẹp hơn, giúp các bạn trẻ tự tin vào bản thân và thấy mình là người có ích cho cộng đồng, xã hội..
Về phía học sinh sau các kỳ thi, TS Vũ Việt Anh chỉ ra không có thất bại, chỉ có thêm bài học kinh nghiệm. Mỗi thử thách đến với mỗi người chính là dịp để nhìn nhận lại bản thân, thay đổi thói quen, lối sống để phù hợp với thực tế.
Ảnh minh họa |
Nếu chưa đạt được kết quả sau thi cử, các em cần điều chỉnh phương pháp học tập, đặt lại mục tiêu phù hợp, có kế hoạch hành động chi tiết, cam kết với bản thân, kiên trì hành động thì nhất định sẽ có kết quả thay đổi đáng kể. Một năm sẽ trôi qua nhanh, những điều tốt đẹp đang còn ở phía trước. Biến đây thành cơ hội để trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức, thái độ sống và rèn luyện thói quen, nhân cách.
TS Vũ Việt Anh khẳng định, thành công là đạt được những điều mà mình thực sự mong muốn, là dịp để chúng ta đúc kết những bài học cho bản thân. Nhưng thất bại cũng mang lại bài học đáng giá.
“Edison thừa nhận ông đã có tới hơn “10 nghìn bài học thất bại” trước khi cho ra đời 1 chiếc bóng đèn có thể chiếu sáng như ngày hôm nay. Như vậy mỗi lần thất bại giúp chúng ta loại bỏ được 1 phương pháp mà không giúp chúng ta thành công. Cần thay đổi và bước tiếp...”, TS Vũ Việt Anh trao đổi.
Chuẩn bị sẵn sàng tâm lý thi cử không chỉ quyết định đến sự thành bại trong cuộc thi mà còn cho cả “hậu” thi. Thành công là điều tất cả học sinh, gia đình đều mong muốn. Song nếu thất bại thì hãy biến đó thành bệ phóng giúp học sinh điều chỉnh bản thân để đi đến thành công. Đừng biến thất bại tạm thời thành điểm dừng vĩnh viễn, mỗi học sinh là người có quyền quyết định thành công, thất bại bản thân khi các em có thể ổn định và sẵn sàng tâm lý thi cử.