Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/5; cuối giờ sáng ngày khai mạc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền, bầu Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước.
Trước đó, Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Sáng 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo thông tin dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7 , Quốc hội khóa XV. Tiền Phong ghi nhận ý kiến của các đại biểu về những nội dung quan trọng được thực hiện tại kỳ họp này.
Điều 4, Hiến pháp quy định, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Một trong những phương thức đó là Đảng cử, hoặc giới thiệu cán bộ để bầu, ứng cử hoặc quyết định bổ nhiệm vào các vị trí của các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hội nghị Trung ương 9 vừa qua đã kết thúc và thành công rất tốt đẹp.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Dự kiến, cuối giờ sáng ngày 20/5, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự và đến sáng 22/5 sẽ hoàn thành. Cụ thể, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội trước rồi đến bầu Chủ tịch nước theo quy định. Hiện cơ quan có thẩm quyền chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an, vì vậy, tại Kỳ họp này, Quốc hội chưa phê chuẩn, hoặc miễn nhiệm chức danh này. (Với chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện Ban Công tác đại biểu cho biết, trước mắt chưa kiện toàn, và chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, giới thiệu, khi đó, Quốc hội mới tiến hành bầu theo quy định).
Cũng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Từ đầu tháng 4, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi đại biểu và các đoàn đại biểu Quốc hội để xem xét, gửi vấn đề cần chất vấn. Qua theo dõi thông tin từ báo cáo tiếp xúc cử tri, báo cáo công tác dân nguyện và thông tin báo chí, có trên 10 lĩnh vực được tổng hợp để Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Các cơ quan đã bỏ phiếu kín để chọn 6 lĩnh vực, trên cơ sở đó xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 5 lĩnh vực, gồm: Tài nguyên và Môi trường; Kiểm toán; Công thương; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo. Trong 5 nhóm vấn đề này, Quốc hội sẽ chọn ra 4 nhóm để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án luật rất khó, tác động đến đông đảo người lao động và người nghỉ hưu. Các cơ quan đã lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, đặc biệt là nội dung hưởng BHXH một lần. Dự kiến phấn đấu sẽ thông qua dự án tại Kỳ họp thứ 7, tuy nhiên, việc này sẽ phải căn cứ theo ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội.
Về căn cứ đóng BHXH, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến cải cách tiền lương. Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội, căn cứ theo đề xuất của Chính phủ, để điều chỉnh trong luật, làm sao đảm bảo được quyền lợi tối ưu cho người lao động trước và sau khi cải cách tiền lương, không có khoảng cách quá xa giữa những người đang hưởng lương mới với những người đã nghỉ hưu trước 1/7/2024. Đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng. Ủy ban cũng đang phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội phương án tối ưu nhất để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Về mức tham chiếu, theo Nghị quyết của Trung ương, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở - mức lương này được sử dụng làm căn cứ đóng BHXH, tính hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, và nhiều chính sách khác. Đến 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ thay bằng mức điều chỉnh mới là mức tham chiếu. Hiện các cơ quan Chính phủ đang tính toán mức tham chiếu phù hợp, làm sao không thấp hơn khi đang áp dụng mức lương cơ sở. Các cơ quan của Quốc hội cũng đang xem xét, đánh giá cho toàn diện vấn đề này, làm sao để người lao động đang làm việc được hưởng quyền lợi tối ưu.
Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe được đại biểu Quốc hội cũng như dư luận rất quan tâm và vẫn còn ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã rất cẩn thận, kỹ lưỡng, nghiên cứu các ý kiến, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia.
Chính phủ cũng đã có văn bản nêu quan điểm, phân tích, đánh giá cụ thể. Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng tham mưu, thiết kế 2 phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đoàn đại biểu Quốc hội.
Trong quá trình xin ý kiến, số lượng ý kiến đồng tình theo hướng cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, nhận được nhiều hơn ý kiến khác. Do đó, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rất rõ quan điểm về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án. Khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định chọn phương án cấm tuyệt đối.
Đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cấm tuyệt đối, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đề nghị phương án này.
Liên quan thị trường vàng, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ đây là một trong 9 nhóm vấn đề cần đặc biệt quan tâm điều hành trong thời gian tới. Trước mắt, cần phải bám sát thị trường vàng và có sự điều hành phù hợp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng, căn cơ vẫn là vấn đề thể chế, chính sách. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ cần sớm khẩn trương rà soát tổng thể về cơ chế chính sách quản lý thị trường vàng, để có sửa đổi kịp thời và mang tính dài hạn.
Về Luật Đất đai, Chính phủ đề xuất có hiệu lực sớm hơn, tức là từ 1/7/2024. Chúng tôi ghi nhận, đánh giá rất cao đề xuất này. Điều đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ, đã nỗ lực rất lớn trong việc sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Chúng tôi cũng cho rằng, nếu như làm được việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Những sự thay đổi tích cực trong chính sách đất đai , nếu sớm đi vào thực tế, sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/5, dự kiến bế mạc ngày 28/6, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6/2024. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 26,5 ngày.
Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, và xem xét, cho ý kiến 11 dự án luật. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; tiến hành giám sát chuyên đề về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023… Cùng với đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền cùng các vấn đề quan trọng khác (nếu có).